Thực phẩm bẩn: Đừng vội đổ lỗi cho người nghèo!

Sống đẹp - 11/24/2024

Người nghèo rơi vào đường cùng thì có tốt đến mấy cũng sử dụng thủ đoạn, đó là bản chất sinh học của bất kỳ loài nào: đấu tranh để sinh tồn.

Thực phẩm được cung cấp chủ yếu bởi những người nông dân, vì vậy hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu tại sao đa số nông dân Việt Nam lại nghèo.

Tôi có một người bạn rất thân thiết cho đến tận bây giờ. Gia đình cậu ấy nghèo, bố mẹ đều làm thợ xây để nuôi con ăn học. Tôi và cậu ấy cùng song hành trong học tập và công việc hơn 20 năm rồi, từ năm 1995. Suốt quá trình đó, mặc dù mỗi chúng tôi đều có những thành công riêng, song tôi luôn coi cậu ấy là thầy mình, bởi trong khi tôi được tạo điều kiện tối đa để học tập thì cậu ấy vừa phải đi kiếm sống, vừa lo học hành.

Tôi tự hỏi, đứng trước tấm gương của bạn mình, 'liệu rằng trong số những người nghèo kia, nếu như họ được học hành tử tế và được đáp ứng những nhu cầu sống tối thiểu, thì có bao nhiêu người sau này sẽ thành công và thậm chí còn hơn cả những người sống trong gia đình khá giả?'.

Chính sự thiếu chia sẻ và quyết tâm làm giàu bằng mọi giá của một tầng lớp thượng lưu khiến cho chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, và đó là một trong những nguyên nhân gây ra các thủ đoạn 'bẩn' trong xã hội. Đừng vội trách những người bán rau khi họ bón, ngâm, tẩm, ướp, họ chỉ đang chạy theo mưu sinh hàng ngày chứ không giống như nhiều người khác trong xã hội, đang vươn lên trở thành tầng lớp siêu giàu. Trong khi 'vèo một phát', ký được hợp đồng nào đó là các vị đã bỏ túi hàng tỷ đồng, thì một người bán rau chỉ đủ sống lay lắt qua ngày với những mớ rau được bán với đơn vị ngàn đồng một.

Thực phẩm bẩn: Đừng vội đổ lỗi cho người nghèo!

Hình ảnh tưới nước pha nhớt cho rau từng khiến dư luận hãi hùng (ảnh: Internet)

Cần nhớ rằng dù chúng ta giàu có đến đâu, chúng ta cũng phải ăn. Những người quá bận rộn với tiền bạc và không lo lắng gì về việc ăn uống bởi cứ đi ăn là họ vào nhà hàng sang trọng đã nhầm. Họ quên mất dù nhà hàng sang trọng đến đâu cũng phải có các nguồn cung cấp nguyên liệu, thứ mà họ không thể vào bếp để kiểm tra mỗi khi đến ăn. Thực phẩm quan trọng như vậy, nông nghiệp và chăn nuôi quan trọng như vậy, thức ăn sạch cần thiết như vậy, nhưng tại sao bây giờ lại đến nông nỗi: cứ mỗi khi ăn cái gì vào miệng là lại lo lắng tự hỏi liệu nó có sạch hay không.

Quản lý thị trường thực phẩm của chúng ta thực sự có vấn đề. Không cần nói đến vấn đề chất lượng bởi chúng ta đi làm hàng ngày đã có thể liếc mắt thấy ngay người ta chuyên chở thịt lợn bằng xe máy như thế nào. Về vấn đề giá, từ trước đến nay chúng ta đều thấy giá rau bao giờ cũng thấp hơn rất nhiều so với giá thịt, cá. Nhưng nếu chỉ sống ở các nước phát triển một thời gian ngắn thôi, ai cũng nhận ra rau đắt như thế nào. Rau sạch và an toàn chăm sóc không hề dễ dàng và có giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt, cá, trứng và sữa, vậy không có lý do gì lại được mua với giá quá rẻ như vậy, trong khi thịt và cá không đến mức chênh lệch giá trị so với rau như trên thị trường thực phẩm của chúng ta. Thịt, cá đắt lại cộng thêm quan điểm sai lầm của người dân là coi trọng giá trị dinh dưỡng của hai loại thực phẩm này hơn rau đã khiến nhiều người nông dân bằng mọi giá tạo ra sản phẩm thịt 'bẩn', cá 'kháng sinh' để chạy theo lợi nhuận, trong khi rau quá rẻ (so với giá trị dinh dưỡng thực) khiến cho mua bán trở nên dễ dàng và mức tiêu thu tăng cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực phẩm bẩn lan tràn như hiện nay, ví dụ như dân trí thấp, quản lý lỏng lẻo, tổ chức thu mua và sản xuất yếu kém, vấn đề về công nghệ, sự vô trách nhiệm và đạo đức đi xuống, luật pháp không nghiêm minh khi xử phạt...nhưng tất cả chỉ là chúng ta đang đổ tội cho nông dân. Nguyên nhân lớn nhất khiến cho họ bất chấp là vì họ không có được một cuộc sống ổn định. Nguồn thu nhập không ổn định do vấn đề tổ chức kinh doanh yếu kém, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, và giá cả không hợp lý. Tất cả những điều này tạo ra sự bấp bênh và hỗn loạn, đến mức dù có giáo dục, cải tạo, xử phạt cỡ nào, họ cũng bất chấp làm.

'Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh trộm cắp', chúng ta mong muốn siết chặt quản lý, phạt thật nặng những kẻ gây ra tình trạng thực phẩm bẩn là đúng, nhưng đó mới chỉ là 'vung cây gậy lên' mà hoàn toàn chưa nghĩ đến việc cần phải tạo ra một lối thoát cho họ, bởi họ cũng là người nên vẫn cần 'củ cà rốt' để sinh tồn.

TS.BS.Lê Tuấn Thành

 

Xem thêm:
Hả hê tiễn đồng loại ra nghĩa địa từ thực phẩm ngâm hóa chất
'Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế'..

 

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!