Một nghiên cứu mới của Viện Sinh học và dược phẩm thực nghiệm (Argentina) cho thấy nhóm thuốc kháng histamine sẽ gây thiệt hại đến "bản lĩnh đàn ông" cũng như chất lượng tinh trùng nếu bị dùng thường xuyên.
Thuốc cảm có thể ảnh hưởng đến các hormone nam cũng như chất lượng - số lượng tinh trùng. Ảnh: The Sun.
Thuốc kháng histamine có tác dụng chính là chống lại các chứng dị ứng, bao gồm sổ mũi, ngứa, thở khò khè, hắt hơi, phát ban, nổi mề đay trên da… Do đó, nó thường được dùng khi bị cảm để trị hắt hơi, sổ mũi hoặc được nhà sản xuất đưa sẵn vào những dạng thuốc cảm kết hợp nhiều thành phần. Ngoài ra, một số thuốc uống và bôi trị dị ứng, say xe cũng là thuốc kháng histamine.
Để đi đến kết luận, nhóm nghiên cứu đã dùng dữ liệu của 60 nghiên cứu đã công bố trước đó và xây dựng thí nghiệm trên một số loài động vật.
Các thí nghiệm chỉ ra rằng dùng nhiều thuốc kháng histamine có ảnh hướng mạnh mẽ đến các hormone giới tính nam trong tinh hoàn, khiến khả năng tình dục bị ảnh hưởng, giảm số lượng lẫn chất lượng tinh trùng. Tinh trùng kém về lượng và chất sẽ dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
Theo Tiến sĩ Carolina Mondillo, một trong các tác giả, hiện nhóm của họ đang tiếp tục xây dựng các thử nghiệm quy mô lớn hơn cũng như thử nghiệm trên con người để đánh giá chính xác những tác động tiêu cực này có thể gây thiệt hại đến đâu trên người. Tuy nhiên, các kết luận này đủ để đưa ra lời khuyên cho những người đàn ông đang muốn lập gia đình, có con đừng nên lạm dụng nhóm thuốc này.
Công trình gây ra nhiều tranh cãi bởi thuốc kháng histamine được dùng rất phổ biến và đa số có thể mua không cần toa ở đa số các nước. Hầu hết các ý kiến cho rằng cần chờ đợi thêm để nhóm nghiên cứu chứng minh rõ tác động của thuốc với người do các thí nghiệm trên động vật chưa đủ mạnh mẽ để có thể yêu cầu các bác sĩ dừng hay giảm kê toa các loại thuốc này.
Về phía người dân, không có khuyến cáo đừng dùng thuốc cảm hay thuốc dị ứng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng tình rằng không nên lạm dụng bất kỳ loại thuốc nào. Nên phòng bệnh và đến bác sĩ để được chữa tận gốc nếu bệnh cảm, bệnh dị ứng tái phát nhiều lần.
Theo Telegraph, The New York Times, The Sun
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!