Thuốc chữa trục trặc thường gặp về tiêu hóa

Cần biết - 05/03/2024

Tiêu chảy là tình trạng đại tiện phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm trùng đường ruột do virut, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây ra.

Chứng táo bón

Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, phải rặn mạnh, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu... Nếu để lâu ngày gây nhiều biến chứng như nứt hậu môn, trĩ, viêm đường niết niệu và một số vấn đề về đại tràng.

Có rất nhiều thuốc trị táo bón như: thuốc trị táo bón tạo khối (igol, metamucil). Các loại thuốc này có chứa nhiều chất xơ, chất sợi và chất nhầy từ nguyên liệu tự nhiên. Khi uống vào cơ thể chúng sẽ có tác dụng hút nước, làm tăng thể tích phân và kích thích phản xạ đi đại tiện tự nhiên.

Những loại thuốc này can thiệp tự nhiên, an toàn nhưng thời gian đạt hiệu quả thường chậm hơn so với những loại thuốc khác; thuốc trị táo bón thẩm thấu (sorbitol, forlax, lactitol) thường chứa các muối vô cơ, đường. Khi uống vào, thuốc giữ nước trong lòng ruột, giúp thải phân ra ngoài dễ dàng hơn; các thuốc làm mềm phân (docusat) giúp nước thấm vào khối phân, làm phân mềm và dễ di chuyển hơn; các thuốc bôi trơn (norgalax, microlax) dùng bơm hậu môn và thuốc trị táo bón kích thích (bisacodyl, cascara), tác động trực tiếp lên thần kinh chức năng vận động bài tiết của ruột, gây co bóp các cơ thành ruột tạo nhu động ruột đẩy phân ra ngoài. Loại thuốc này cho hiệu quả nhanh nhưng không chữa táo bón ở phụ nữ mang thai.

Tùy theo từng nguyên nhân gây táo bón, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc dùng phù hợp. Người đọc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để biết về những nguy cơ của thuốc, biết cách khắc phục hoặc thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp.

Trường hợp bệnh nhân táo bón kèm theo buồn nôn, nôn hoặc đau bụng cần đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm hơn.

Thuốc chữa trục trặc thường gặp về tiêu hóa

Một số vi khuẩn trong đường tiêu hóa gây nên các trục trặc.

Ợ nóng

Ợ nóng là tình trạng người bệnh cảm giác nóng ở ngực, sau xương ức... gây đau. Đau thường nặng hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống. Triệu chứng này hầu hết được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và/hoặc dùng thuốc.

Có nhiều loại thuốc được dùng để ứng phó với tình trạng này. Đó là:

Thuốc trung hòa acid dạ dày (kháng acid) như maalox, mylanta, gelusil… có thể tạm thời cải thiện được cảm giác nóng rát, khó chịu do ợ nóng, nhưng không được lạm dụng. Nếu sử dụng liên tục thuốc kháng acid thì dạ dày sẽ bị thiếu acid, dẫn đến những khiếm khuyết trong quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng, nhất là vitamin nhóm B và sắt… Ngoài ra, thuốc kháng acid còn có những tác dụng phụ đáng lưu ý. Ví dụ, thuốc chứa muối nhôm có thể gây táo bón, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, gây tổn hại xương. Thuốc chứa muối calcium cũng có thể gây táo bón, nhức đầu, thay đổi tâm trạng, yếu cơ, ói mửa...

Các loại thuốc giảm sản xuất acid dạ dày (ức chế histamin H2) như cimetidin, famotidin, nizatidin hoặc ranitidin. Các thuốc này không tác dụng nhanh như thuốc kháng acid, nhưng lại có tác dụng lâu hơn.

Thuốc ức chế tiết acid (ức chế bơm proton sản xuất acid) bao gồm các thuốc như lansoprazole, omeprazole… Đây là một trong những thuốc được sử dụng rộng rãi nhất, có hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng gây ra do tăng tiết acid dịch vị và nhìn chung được dung nạp khá tốt. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khi dùng các thuốc này có thể gây đau đầu và các biến cố bất lợi trên tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Do tác dụng ức chế tiết acid dịch vị của thuốc nên có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng từ các căn nguyên ở đường tiêu hóa hay hô hấp (nếu lạm dụng dùng kéo dài). Vì vậy, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Khi dùng thuốc cần đọc kỹ thành phần thuốc, hướng dẫn sử dụng, những lưu ý, thận trọng khi dùng... để dùng thuốc cho đúng cách và an toàn. Trường hợp ợ nóng thường xuyên và đã có những can thiệp như thay đổi thói quen hàng ngày hoặc dùng thuốc mà không đỡ, có thể là một triệu chứng của một bệnh nghiêm trọng hơn, người bệnh cần đi khám.

Tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng đại tiện phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm trùng đường ruột do virut, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây ra. Các trường hợp nhiễm trùng này thường là do ăn thức ăn hoặc uống nước đã bị nhiễm khuẩn từ phân hoặc trực tiếp từ người mắc bệnh.

Khi bị tiêu chảy, việc đầu tiên là phải bù nước và điện giải bằng đường uống, thường dùng dung dịch oresol. Trong trường hợp nghiêm trọng sẽ bù dịch bằng đường truyền qua tĩnh mạch (thực hiện tại cơ sở y tế). Cần pha đúng tỷ lệ gói oresol theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Không được dùng ngay thuốc cầm tiêu chảy, vì trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chất độc cần được tống xuất ra khỏi cơ thể. Chỉ khi tiêu chảy không khu trú, kéo dài mới tính tới chuyện dùng thuốc cầm tiêu chảy như loperamid (dùng theo chỉ định của bác sĩ). Khi bị tiêu chảy nặng hoặc tiêu chảy hơn 3 ngày cần đi khám bệnh để được xử lý kịp thời, thích hợp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!