Thuốc hại gan và giải độc gan?

Cần biết - 11/24/2024

Mỗi thuốc có thể gây ra một kiểu tổn thương gan nhất định. Dựa vào đó, người ta phân loại ra từng nhóm cho dễ nhận biết.

Gan là cơ quan đặc biệt đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng và phức tạp. Một chức năng quan trọng của gan là giải độc, trong đó có chuyển hóa thuốc thành chất không độc. Do thường xuyên xử lý chất độc nên gan có thể bị nhiễm độc thể hiện ở chỗ nhu mô gan bị tổn thương và được gọi là viêm gan. Viêm gan là tình trạng tế bào gan bị viêm, bị hư hoại và chết đi. Khi tế bào gan bị viêm, bị tổn thương, các men gan như ALT (còn được ghi SGPT)) và AST (SGOT) từ gan phóng thích vào máu nhiều hơn so với bình thường. Vì vậy, khi xét nghiệm thấy men gan ALT và AST tăng lên thì đó là dấu hiệu cho biết tình trạng viêm, tổn thương tế bào gan.

Nhóm thuốc gây tổn thương tế bào gan (làm tăng men AST, ALT):bao gồm các kháng sinh kháng khuẩn (tetracycline, ciprofloxacin, metronidazol…), kháng sinh kháng nấm (ketoconazol), thuốc chống lao (isoniazid, rifampicin, pyrazinamid), thuốc trị tăng huyết áp (lisinopril, losartan), thuốc chống tiết axít trị viêm loét dạ dày (omeprazol), thuốc chống trầm cảm (fluoxetin, proxetin, sertralin), thuốc trị mỡ máu (các statin), vitamin (vitamin A liều cao, niacin tức vitamin PP), đặc biệt là thuốc giảm đau chống viêm (như các thuốc kháng viêm không steroid: NSAID), riêng paracetamol thường được xem là an toàn lại là thuốc có thể gây hoại tử tế bào gan rất nặng nề nếu dùng bừa bãi.

Nhóm thuốc làm tắc mật(tăng alkalin phophatase + tăng bilirubim toàn phần), bao gồm các thuốc kháng sinh kháng khuẩn (amoxicilin+acid clavulanic: Augmentin, erythromycin), kháng sinh kháng nấm (terbinafin), thuốc trị rối loạn tâm thần (chlopromazin, mirtarazin), thuốc kháng histamine trị dị ứng (promethazin), thuốc trị tăng huyết áp (irbesartan), thuốc là hoóc-môn sinh dục nữ (estrogen), thuốc là hoóc-môn sinh dục nam (testoterone)…

Thuốc hại gan và giải độc gan?

Nhóm thuốc vừa làm tổn thương tế bào gan vừa làm tắc mật(cùng lúc làm tăng AST, ALT và tăngalkalin phophatase), bao gồm các thuốc kháng sinh kháng khuẩn (clindamycin, bactrim, sulfonamid, nitrofurantoin), thuốc chống động kinh (phenobarbital, phenytoin, carbamazepin), thuốc trị tăng huyết áp (catopril, enalapril, verapamil), thuốc chống trầm cảm (amitriphtylin, trazodon), thuốc kháng hitamin trị dị ứng (cyproheptadin)…

Người bệnh nên lưu ý, khi đang dùng thuốc có nguy cơ hại gan, nếu xét nghiệm thấy tăng men gan thì việc tăng men gan chưa hẳn là biểu hiện đã chuyển thành tổn thương gan. Vì vậy, khi mới chỉ có men gan tăng, không nhất thiết phải ngừng thuốc mà cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Khi có các biểu hiện lâm sàng: vàng da, suy gan cấp, thì phải ngừng thuốc ngay để tránh các diễn biến nghiêm trọng. Đối với một thuốc đã gây độc cho gan thì nhất thiết không được thử dùng lặp lại. Dùng lặp lại sẽ tổn thương gan nặng nề hơn.

Khi chán ăn, sợ mỡ, nước tiểu sẫm màu, đau tức vùng gan thì cần phải gặp bác sĩ

Ở đây xin đề cập thuốc gọi là thuốc bổ gan, thuốc giúp hạ men gan được phân loại là thuốc hướng gan (hepatotropes) mà người bệnh có thể dùng khi nghĩ mình bị thuốc làm hại gan. Thuốc hướng gan là thuốc có tác dụng hỗ trợ điều chỉnh các triệu chứng rối loạn do tổn thương gan loại nhẹ, trong đó có tác dụng bảo vệ nhu mô ganhoặc giúp làm hạ men gan. Điểm lại thuốc hướng gan đã được dùng thì thấy khá đa dạng. Có thuốc là hóa chất như biphenyl-dimethyl-dicarboxylate, metadoxin, phosphatidylcholin. Có thuốc chứa các dẫn chất axít amin như arginin, ornithin, carnitin, acid glutamic. Có thuốc chứa các dược thảo như diệp hạ châu, actisô...Có thuốc chứa các vitamin như vitamin B1, B2, B6, PP… Thậm chí có thuốc chứa chất có trong động vật là axít ursodeoxycholic (một loại axít mật được cho là có trong mật gấu làm cho việc hại gấu tràn lan mà tác dụng bảo vệ gan thì hoàn toàn không rõ). Đặc biệt, có nhiều thứ không phải là thuốc mà là “thực phẩm chức năng” được giới thiệu là bổ gan, làm hạ men gan, các thứ này chưa được thử nghiệm lâm sàng để cho kết quả cụ thể rõ ràng là có tác dụng hay không.

Đối với người được phát hiện có men gan tăng cao hoặc khi có sự nghi ngờ vì đang dùng một thuốc có nguy cơ gây hại gan, xin lưu ý mấy điểm như sau:

- Không nên tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, đặc biệt không nên tự ý sử dụng thuốc bổ gan, hạ men gan mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Dùng thuốc bừa bãi sẽ làm cho thương tổn có thể đã có ở gan nặng thêm thôi.

- Người tình cờ phát hiện mình có tăng men gan (như được xét nghiệm máu đánh giá các chỉ tiêu khác như đo mỡ trong máu, đường glucose trong máu… và đo thêm men gan) cũng nên hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc hạ men gan. Nên lưu ý khi sử dụng một số thuốc có thể làm tăng men gan (như dùng thuốc trị rối loạn mỡ trong máu là thuốc thuộc nhóm fibrat hay thuốc statin), nếu ngưng thuốc sẽ làm men gan trở lại bình thuờng. Khi đang dùng thuốc mà bị tăng men gan phải báo cho bác sĩ điều trị biết hầu có hướng xử trí thích hợp.

- Để dùng thuốc được an toàn, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn, y lệnh của bác sĩ, không được lạm dụng thuốc và tự ý dùng thuốc. Khi dùng thuốc mà có biểu hiện như chán ăn, sợ mỡ, nước tiểu sẫm màu, đau tức vùng gan thì cần trở lại tái khám ở bác sĩ hoặc đến ngay một cơ sở y tế để được kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời nếu thuốc có làm hại gan.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!