Thuốc nhuận tràng Sorbitol: Những điều bạn cần biết

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Thuốc nhuận tràng Sorbitol là loại thuốc thường dùng trong điều trị chứng táo bón và khó tiêu. Vậy dùng Sorbitol như thế nào là đúng cách?

Sorbitol là loại thuốc thúc đẩy quá trình hydrat hóa các chất trong đường ruột. Sorbitol kích thích tiết cholecystokinin − pancreazymin và tăng nhu động ruột nhờ tác dụng nhuận tràng thẩm thấu.

Thuốc Sorbitol bao gồm dạng uống và dạng thuốc đặt trực tràng. Bạn nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, lịch trình dùng thuốc. Ngoài ra, hãy đọc nhãn thuốc cẩn thận trước khi dùng và tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bạn có bất kỳ thắc mắc nào.

Sorbitol là gì?

Sorbitol (glucitol) là một loại rượu đường nên có vị ngọt và cơ thể chuyển hóa rất chậm loại đường này. Cơ thể bạn hấp thụ loại đường này bằng cách giảm glucose, thay đổi nhóm aldehyde thành nhóm hydroxyl.

Hầu hết Sorbitol được làm từ sirô ngô và cũng được tìm thấy trong táo, lê, đào và mận.

Chỉ định

Sorbitol được dùng trong điều trị triệu chứng táo bón và khó tiêu.

Liều lượng và cách dùng

  • Ðiều trị triệu chứng khó tiêu: dùng thuốc trước bữa ăn hoặc khi khó tiêu, người lớn nên dùng từ 1 − 3 gói mỗi ngày;
  • Ðiều trị táo bón: người lớn dùng 1 gói vào lúc đói hoặc vào buổi sáng. Trẻ em chỉ dùng một lượng bằng 1/2 liều thuốc của người lớn;
  • Cách dùng: bạn pha 1 gói thuốc trong 1/2 cốc nước, sau đó uống thuốc trước bữa ăn 10 phút.

Chống chỉ định

Sorbitol chống chỉ định đối với các bệnh như viêm ruột non, viêm loét đại − trực tràng, bệnh Crohn và hội chứng tắc hay bán tắc, hội chứng đau bụng chưa rõ nguyên nhân.

Người bệnh không dung nạp fructose do di truyền (bệnh chuyển hóa hiếm gặp) không nên dùng thuốc Sorbitol.

Tác dụng phụ

Người bệnh dùng thuốc Sorbitol có thể bị tiêu chảy và đau bụng, đặc biệt ở những người bị “đại tràng kích thích” hoặc chướng bụng.

Bạn cần lập tức ngưng dùng thuốc khi nhận thấy có bất kỳ tác dụng phụ nào và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chữa trị kịp thời.

Lưu ý

  • Bạn không nên dùng Sorbitol trong trường hợp bệnh nhân bị tắc đường dẫn mật. Người mắc bệnh “đại tràng kích thích” cần tránh dùng Sorbitol khi đang đói và nên giảm liều lượng thuốc trước khi sử dụng;
  • Trị táo bón bằng Sorbitol chỉ là một cách hỗ trợ cùng với chế độ ăn uống điều độ. Vì thế, bạn không nên dùng thuốc kéo dài mà phải kết hợp các phương pháp ăn uống hiệu quả khác;
  • Do thuốc Sorbitol làm tăng nhu động ruột và tương tự như mọi loại thuốc nhuận tràng khác, Sorbitol có thể làm giảm tốc độ phân giải của các thuốc khác nếu bạn uống cùng lúc, dẫn đến làm giảm tốc độ hấp thu của những thuốc này. Vì vậy, khi phải uống thuốc điều trị một bệnh nào khác, bệnh nhân cần uống các thuốc đó cách xa thời gian uống Sorbitol khoảng 2 giờ.

Hy vọng những thông tin trên đây giúp bạn giải đáp được các thắc mắc về thuốc Sorbitol để sử dụng thuốc đúng cách.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Chữa táo bón thai kỳ: Nên và không nên ăn gì?
  • Chữa chứng khó tiêu với 6 nguyên liệu ngay trong bếp
  • Tiêu chảy ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!