Thuốc nội tiết làm tăng đường máu

Cần biết - 05/10/2024

Thường khi mắc bệnh như cảm cúm, viêm khớp, đau bụng... các bệnh nhân đái tháo đường hay thấy đường máu tăng lên.

Các thuốc có tác dụng nội tiết

Bản chất các thuốc này là những nội tiết tố được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nhìn chung, hầu hết các nội tiết tố đều có khả năng gây tăng đường máu do thúc đẩy tăng tổng hợp thêm nhiều đường glucose mới hoặc do làm giảm tác dụng của insulin ở các mô.

Glucocorticoid, một nội tiết tố của tuyến thượng thận, được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị viêm khớp, hen phế quản, dị ứng... Các loại thuốc glucocorticoid thường dùng là prednisolon, methylprednisolon, dexamethasone... Dù được sử dụng theo đường uống, hay tiêm truyền tĩnh mạch, tiêm tại khớp... thì thuốc này đều có thể làm tăng đường máu, thậm chí gây tăng đường máu nặng. Ngay một số người không mắc bệnh đái tháo đường nếu phải điều trị glucocorticoid dài ngày cũng có thể mắc bệnh. Nguyên nhân là do glucocorticoid không những làm tăng tổng hợp glucose mà còn làm tăng đề kháng insulin (làm giảm tác dụng của insulin).

Thuốc nội tiết làm tăng đường máu

Hầu hết các nội tiết tố đều có khả năng gây tăng đường máu do thúc đẩy tăng tổng hợp thêm nhiều đường glucose. (Ảnh minh họa: Internet)

Nội tiết tố tuyến giáp (L-T4) với các biệt dược như levothyroxin, levothyrox, L-thyroxin... Thuốc này thường được dùng để điều trị cho những người bị suy tuyến giáp trạng, mà một số BN suy tuyến giáp lại có kèm theo bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên tăng đường máu chỉ xảy ra khi BN đó được điều trị L-thyroxin liều cao, còn với các BN điều trị liều thấp hoặc trung bình và ở trong tình trạng bình giáp thì rất hiếm khi có tăng đường máu. Cơ chế gây tăng đường máu của nội tiết tố tuyến giáp chưa được biết rõ nhưng một phần là do thuốc làm tăng đề kháng dẫn đến làm giảm tác dụng của insulin.

Thuốc tránh thai đường uống có bản chất là các steroid (estrogen, progesterone) có khả năng gây tăng đường máu do cũng làm tăng đề kháng với insulin ở các mô. Nguy cơ làm tăng đường máu của thuốc gia tăng ở các phụ nữ bị thừa cân hoặc béo phì hoặc có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên cần nhấn mạnh là các thuốc tránh thai đường uống, cũng giống như 2 loại thuốc nêu trên, không phải là chống chỉ định cho các bệnh nhân tiểu đường.

>> Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh tiểu đường

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!