Thuốc uống trắng da có hại không?

Cần biết - 11/28/2024

Sau trào lưu tắm lột da, tiêm thuốc vì 'cuồng' trắng da, nhiều chị em chuyển sang sử dụng thuốc với mong muốn hiệu quả lâu bền hơn. Liệu phương pháp này có gây hại sức khỏe?

Màu sắc làn da được qui định bởi hai yếu tố là melanin và oxyhemoglobin. Theo phân loại quy ước quốc tế, làn da của người Việt thường ở nhóm III hay IV theo Fitzpatrick skin type (Loại da dưới tác động của ánh nắng mặt trời). Tuýp da dạng này dễ bị bắt nắng hay bị đen dưới ánh nắng mặt trời, cũng có nghĩa là làn da bị kích hoạt sản sinh melanin từ tế bào hắc sắc tố cư trú ở lớp đáy tầng thượng bì.

Việc chúng ta có làn da vàng hoặc nâu cũng chính là cách tổ tiên di truyền để lại nhằm bảo vệ tầng dưới da, tránh khỏi sự nguy hiểm từ tia cực tím. Đây là cách chọn lọc tự nhiên của cơ thể hạn chế ung thư da, lão hóa da.

Điều đó để bắt buộc một làn da người châu Á trở nên trắng hơn là đi ngược lại cơ chế tự nhiên bảo vệ da rất tài tình của cơ thể. Tuy nhiên, sở hữu làn da trắng mịn lại là mong ước từ lâu của chị em phụ nữ.

Để hiểu được cơ chế của quá trình làm trắng, chúng ta phải hiểu được rằng, melanin luôn được tạo ra khi chịu sự tác động ánh sáng mỗi ngày. Nếu muốn trắng da, bạn phải đi vào con đường ức chế tổng hợp melanin bằng thuốc uống và kem bôi. Việc này phải diễn ra thường xuyên, kèm theo bảo vệ da dưới ánh nắng bằng mọi cách, từ hạn chế ra nắng, áo khoác, nón rộng vành, kính mát đến bôi kem chống nắng.

Thuốc uống trắng da có hại không?

Các loại viên uống trắng da được quảng cáo rộng rãi trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook.

Thuốc uống (hay thuốc chích) chứa thành phần vitamin C, glutathione hàm lượng cao từ 500-1.000 mg là phương pháp rất phổ biến trên thị trường trong việc làm trắng. Khi hấp thụ vào máu, nó sẽ đi vào da, ức chế quá trình sản sinh melanin từ đó làm sáng, mịn da hơn. Ngoài ra, một số thành phần khác có khả năng hỗ trợ việc làm sáng da, tuy hiệu quả thấp như vitamin nhóm B, hoặc có nhiều tác dụng phụ và cần được chỉ định của bác sĩ như axit tranexamic… Nếu chỉ dùng viên uống (ngay cả chích) với thành phần kể trên tác dụng trắng da thấp, chủ yếu chỉ làm sáng nhẹ, mịn da. Để thấy hiện tượng trắng da rõ ràng, chị em thường sử dụng kèm sản phẩm bôi sáng da.

Sản phẩm bôi trắng da thường bao gồm nhóm tẩy sừng như AHA, BHA kèm theo các nhóm ức chế tổng hợp melanin như arbutin hay axit azelaic… Những thành phần này nếu được phân phối với công ty có uy tín, sẽ khá an toàn, tác dụng phụ tương đối ít, chỉ gây kích ứng nhẹ nếu làn da nhạy cảm.

Hiệu quả làm trắng thấy được ít nhất sau 28 ngày, chỉ nâng tông da lên nhẹ. Bởi những chất ức chế có thể xuống sâu dưới da, nó cần vượt qua lớp sừng dày và hàng rào bảo vệ da, do đó, lượng sản phẩm để đi được tới lớp đáy bị mất đi rất nhiều. Những chất làm trắng trên chỉ có thể ức chế được một vài con đường sản sinh melanin chứ không ức chế toàn bộ tất cả con đường hình thành nên sắc tố. Đó là lý do những sản phẩm trắng da bôi càng uy tín thì càng mất thời gian lâu để phát huy tác dụng, nồng độ sản phẩm phải đảm bảo an toàn và hạn chế kích ứng tối đa cho người sử dụng.

Thuốc uống trắng da có hại không?

Thạc sĩ, bác sĩ da liễu Thiên Hương. Ảnh: BSCC

Hiện nay, trên thị trường quảng cáo nhiều loại thuốc uống hay kem bôi có thể làm trắng cấp tốc trong thời gian ngắn, tạo nên lầm tưởng tai hại cho người tiêu dùng. Việc làm trắng da nếu diễn ra nhanh chóng trong một tuần, chỉ có thể được diễn ra với hình thức “ lột da”, tức lấy đi tầng thượng bì của da - nơi chứa tế bào sắc tố. Cách này khiến da chỉ còn lại lớp bì mỏng manh (da non). Từ đó, những hiểm họa cho làn da sẽ hình thành như dị ứng, nám, ung thư da, giãn mạch dưới da,… Chúng đã vô tình phá vỡ hàng rào bảo vệ, khiến da dễ dàng phát sinh những bệnh lý khác.

Vì vậy, phụ nữ khi muốn tìm đến với những phương cách làm trắng da an toàn, có thể cần am hiểu một số kiến thức về làn da, đồng thời chọn những sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, chống nắng kỹ lưỡng. Bạn có thể mất thời gian trong việc kéo dài liệu trình làm trắng da, nhưng sẽ đảm bảo da không đối diện với bất cứ nguy cơ tiềm ẩn nào.

Bài chia sẻ của thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa da liễu Nguyễn Thiên Hương (tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!