Thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch: 'Kẻ giết người' thầm lặng

Cần biết - 05/15/2024

Nếu bệnh nhân may mắn chỉ bị huyết khối tĩnh mạch sẽ gây ra hiện tượng phù nề vùng cẳng chân, loét mạn tính vùng cẳng chân vì rối loạn dinh dưỡng do phù nề.

Một bệnh nhân, 79 tuổi, té gãy liên mấu chuyển xương đùi, đã được phẫu thuật thay khớp háng nhằm mục tiêu giúp bệnh nhân ngồi dậy và đi lại sớm. Rất không may bệnh nhân đã tử vong sau khi mổ vì tắc động mạch phổi. Gia đình bệnh nhân kết tội bác sĩ gây ra cái chết cho bệnh nhân.

Nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch

Thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch không mới khi nhà bác học Rudolf Virchow (1821 - 1902) đã đưa ra lý thuyết hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch bao gồm yếu tố tăng đông, sự lưu thông tĩnh mạch bị chậm lại, và tổn thương mạch máu. Lý thuyết này được biết dưới tên tam giác Virchow. Theo ông, những bệnh nhân có hội tụ cả ba yếu tố trên sẽ có nguy cơ bị cục máu đông trong tĩnh mạch và cục máu đông này có thể di chuyển và sẽ gây triệu chứng khi làm tắc nghẽn mạch máu.

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch bao gồm hai biểu hiện là huyết khối tĩnh mạch nghĩa là trong tĩnh mạch của bệnh nhân có 1 cục máu đông và thuyên tắc động mạch phổi nghĩa là cục máu đông trong tĩnh mạch sẽ theo dòng máu trôi về tim và được đưa lên động mạch phổi gây tắc động mạch phổi. Cả hai biểu hiện này đều là của 1 bệnh vì 79% số bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi có bằng chứng huyết khối tĩnh mạch sâu và 50% bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu bị thuyên tắc động mạch phổi.

Thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch: 'Kẻ giết người' thầm lặng

Thuyên tắc huyết khối tình mạch: từ trái qua phải máu lưu thông trong tĩnh mạch bình thường, hình thành cục máu đông do tổn thương thành mạch, máu chảy chậm và có yếu tố tăng đông. Cục máu đông rời ra và theo tĩnh mạch về tim đi lên động mạch phổi gây thuyên tắc động mạch phổi.

Thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Bệnh lý này rất nguy hiểm. Nếu bệnh nhân may mắn chỉ bị huyết khối tĩnh mạch sẽ gây ra hiện tượng phù nề vùng cẳng chân, loét mạn tính vùng cẳng chân vì rối loạn dinh dưỡng do phù nề. Việc điều trị rất tốn kém. Vì tầm quan trọng như vậy nên tất cả các cuộc phẫu thuật có nguy cơ gây ra thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch các bác sĩ đều dùng thuốc dự phòng huyết khối cho bệnh nhân.

Ai có nguy cơ bị huyết khối tình mạch?

Những bệnh nhân phải trải qua các cuộc phẫu thuật như phẫu thuật vùng bụng, vùng chậu, phẫu thuật chi dưới của ngành chấn thương chỉnh hình.

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đặc biệt là phẫu thuật thay khớp vùng háng có đầy đủ ba yếu tố mà tác giả Virchow đã đề ra vì đó là phẫu thuật lớn nên gây tổn thương mạch máu, tổn thương mô gây yếu tố tăng đông, dòng máu sẽ chảy chậm do hồi lưu tĩnh mạch bị cản trở. Chính vì yếu tố nguy cơ cao nên tất cả các bệnh nhân sau mổ thay khớp háng đều được dùng thuốc chống đông trong vòng 35 ngày.

Thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch: 'Kẻ giết người' thầm lặng

Một bệnh nhân đã được phẫu thuật mổ kết hợp xương liên mấu chuyển và bị huyết khối tĩnh mạch

Những phụ nữ có tiền căn dùng thuốc ngừa thai nếu gặp điều kiện ít vận động hai chi dưới cũng dễ bị thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch, ví dụ ngồi tàu xe hay nhất là máy bay trong 1 thời gian dài; những người béo phì, những người có bệnh lý tĩnh mạch từ trước… Lời khuyên cho những người đi máy bay đường dài là nên đứng dậy và tập các bài tập căng cơ cẳng chân bằng cách đứng nhón gót, gồng cơ đùi và cẳng chân mỗi 4 giờ ngồi liên tục.

Làm thế nào để tránh biến chứng thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch?

Khi bạn phải trải qua một cuộc mổ vùng bụng, vùng chậu, mổ sản phụ khoa các bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch. Các bạn nên tự vận động hai chi dưới bằng cách gồng cơ. Hãy hỏi nhân viên vật lý trị liệu hay bác sĩ của bạn để được hướng dẫn cách gồng cơ. Hãy bước ra khỏi giường càng sớm càng tốt để đi lại sớm. bạn có thể dùng vớ ép tĩnh mạch để tránh huyết khối.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!