Trong những năm gần đây, các bệnh viện liên tục tiếp nhận và xử trí rất nhiều trường hợp tai biến do tiêm filler, đặc biệt có nhiều ca nặng phải nhập viện điều trị.
Họa từ 'thẩm mỹ vỉa hè'
PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ (BV Việt Đức) cho biết, thời gian qua khoa tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do nâng ngực bằng filler (chất làm đầy), bơm mỡ nhân tạo, phổ biến nhất là thủng lỗ dò ở mũi, ngực do quá trình vô trùng không tốt khi tiêm, một số ít trường hợp bị mù mắt do tiêm sai vị trí. Trường hợp mới nhất là bệnh nhân nữ 32 tuổi được các nhân viên một spa ở Long Biên, Hà Nội tư vấn tiêm chất làm đầy (filler) để nâng ngực.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con, ngực của chị bị chảy sệ, teo tóp nên rất tự ti. Qua tìm hiểu chị đến một cơ sở thẩm mỹ để được tư vấn nâng cấp vòng 1. Tuy nhiên, thay vì gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phù hợp thì tại cơ sở, người tư vấn cho chị lại chỉ là nhân viên chăm sóc khách hàng.
Vì vậy, lời khuyên chị nhận được là nên tiêm filler để có dáng ngực tự nhiên. Bệnh nhân cũng cho biết, ngay sau tiêm, chị khá hài lòng về vòng 1 của mình khi kích cỡ ngực tăng thêm khoảng 30%, tròn đều tự nhiên. Tuy nhiên, được 3 ngày, chị phát hiện hai bên ngực có dấu hiệu sưng đau. Khi hỏi lại cơ sở thẩm mỹ, nhân viên trấn an chị rằng đây chỉ là phản ứng rất bình thường, sẽ hết sau vài ngày.
Đến ngày thứ tư, ngực chị sưng to gấp đôi bình thường, đỏ lựng, chực chờ như sắp vỡ. Hốt hoảng, chị đến một cơ sở thẩm mỹ khác để tư vấn, được bác sĩ đục lỗ thoát dịch nhưng tình trạng sưng, đau không giảm. Khi đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện lỗ dò ở ngực của bệnh nhân vẫn đang chảy mủ liên tiếp. Qua chụp chiếu, bác sĩ xác định bệnh nhân may mắn khi filler chỉ được tiêm khu trú ở lớp mỡ dưới da.
Ngoài ra, kết quả cấy mẫu mủ phát hiện, bệnh nhân bị nhiễm một loại vi khuẩn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh do trong quá trình tiêm filler không đảm bảo vô trùng. Để điều trị, ngoài dùng kháng sinh, bệnh nhân được nhân viên y tế nặn ép mủ 2 lần/ngày. Đến ngày thứ 8, ngực bệnh nhân đỡ sưng hơn, dịch chảy ít hơn và sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện.
Theo các bác sĩ, những ca có biến chứng sau điều trị vẫn cần theo dõi thời gian dài. Đáng lưu ý, đến giờ bệnh nhân vẫn không hề hay biết mình được tiêm loại filler nào, xuất xứ từ đâu.
Nạn nhân do tiêm filler làm đầy tại cơ sở không có chuyên môn.
Nghiện tiêm filler bất chấp hậu quả
Theo PGS.TS. Đỗ Quang Hùng, Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, filler hay còn gọi là chất làm đầy, có vai trò điều trị các vùng thiếu hụt thể tích như rãnh mũi má, hõm mắt hoặc tạo hình đường nét khuôn mặt như nâng mũi, tạo cằm thon...
Việc điều trị filler đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ đã được đào tạo, huấn luyện bài bản, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng mặt, đặc biệt là hệ thống mạch máu phức tạp bên dưới. Và nơi thực hiện phải là cơ sở y tế hợp pháp, được phép triển khai kỹ thuật tiêm chất làm đầy, sử dụng sản phẩm chất làm đầy rõ thành phần, nguồn gốc.
Dù các bác sĩ đã liên tục cảnh báo về những biến chứng nguy hiểm trong việc làm đẹp từ những cơ sở làm đẹp không được cấp phép, nhưng nhiều người vẫn bất chấp để làm đẹp tại những cơ sở này thông qua giới thiệu từ người quen hoặc quảng cáo trên trang mạng xã hội. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ ngày càng tăng.
Lời khuyên của chuyên gia thẩm mỹ
Để tránh những hệ lụy do phẫu thuật thẩm mỹ hỏng gây ra, PGS.TS. Đỗ Quang Hùng khuyên rằng, mỗi người thực hiện thẩm mỹ, dù là nam hay nữ giới nên sáng suốt lựa chọn cho mình cơ sở y tế có uy tín và bác sĩ có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình.
Đặc biệt, đối với những trường hợp thẩm mỹ cần gây mê toàn thân như tạo hình thành bụng, căng da mặt... thì cần đến cơ sở y tế có các chuyên khoa sâu như cận lâm sàng, hồi sức cấp cứu, gây mê... để được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước khi phẫu thuật, được gây mê an toàn cũng như được xử trí kịp thời những tai biến có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!