Tiêm phòng bệnh cho gia cầm: Những điều cần biết

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở Việt Nam, tiêm phòng bệnh cho gia cầm là giải pháp tốt nhất để phòng dịch phát trên diện rộng.

Đầu năm 2015,  tỉnh Sóc Trăng đã bùng phát 3 ổ dịch cúm gia cầm, phải tiêu hủy gần 3.000 con gia cầm. Hiện tại, tình hình dịch cúm gia cầm trong nước đang diễn biến hết sức phúc tạp nhất là trong điều kiện thời tiết đông xuân thất thường, càng làm tăng nguy cơ bùng nổ dịch tại các địa phương trong cả nước.

Tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm là cách tốt nhất để phòng dịch cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng, làm giảm lượng vi-rút có trong môi trường, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho người. Khi tiêm phòng bệnh cho gia cầm, bạn cần lưu ý một số điều cơ bản sau đây:

Lựa chọn địa chỉ mua vắc-xin đúng đắn

Khi đi mua vắc-xin để tiêm phòng cho gia cầm, bạn nên mua ở những cửa hàng đã được Trạm Thú y huyện cấp giấy phép để đảm bảo chất lượng, đồng thời được tư vấn kĩ thuật về cách sử dụng các loại vắc-xin sao cho đúng. Tuyệt đối không mua vắc-xin ở những địa chỉ không có điều kiện, không được phép bán vắc-xin, vắc-xin hết hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc.

Tiêm phòng bệnh cho gia cầm: Những điều cần biết

Tiêm vắc-xin là điều cần thiết để đàn gia cầm khỏe mạnh khi đang có dịch cúm (Ảnh minh họa)

Bảo quản, vận chuyển vắc-xin đúng kĩ thuật

Điều này là rất quan trọng, để bạn đảm bảo được chất lượng của vắc-xin. Các loại vắc-xin phòng bệnh nói chung, dành cho gia cầm nói riêng luôn đòi hỏi điều kiện bảo quản nghiệm ngặt. Cụ thể như sau:

- Đối với các loại vắc-xin vi-rút là ở nhiệt độ từ 2 - 8oC, các loại vắc-xin vi khuẩn thì bảo quản từ 5 - 15oC. Bạn cũng cần lưu ý là các loại vắc-xin phải được bảo quản trong điều kiện thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.

- Trong quá trình vận chuyển, điều kiện bảo quản tốt nhất cho vắc-xin đó là phải đựng vào trong hộp xốp hoặc phích đá. Bạn cần bao gói kỹ, tránh để bị va đập, không dể ánh nắng trực tiếp chiếu vào để bảo đảm chất lượng và hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin.

Sử dụng vắc-xin đúng theo đúng quy định

- Không tiêm vắc-xin cho gia cầm đang bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh, những gia cầm còn quá non, chưa đủ tuần tuổi.

- Dụng cụ tiêm phòng (bơm kim tiêm) cần phải được tiệt trùng. Biện pháp tốt nhất là bạn nên luộc sôi, để nguội trước khi sử dụng. Tuyệt đối không dùng cồn để sát trùng dụng cụ tiêm phòng khi tiêm vắc-xin.

- Khi tiêm vắc-xin cần đảm bảo đủ liều, đúng đường tiêm, đúng vị trí cần tiêm, đủ độ sâu. Thực hiện đúng lịch theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vị trị tiêm cần được sát trùng. Lưu ý là lắc kỹ lọ vắc-xin trước khi tiêm cho gia cầm. Nếu thừa vắc-xin sau khi tiêm cần phải hủy, không được dùng cho ngày hôm sau.

- Sau khi tiêm vắc-xin cần theo dõi vật nuôi để kịp thời can thiệp các trường hợp phản ứng, gia cầm có thể bị sốc phản vệ.

Tiêm phòng bệnh cho gia cầm: Những điều cần biết

Không tiêm vắc-xin cho gia cầm đang bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh (Ảnh minh họa)

Một số lưu ý khác để phòng ngừa dịch cúm gia cầm

- Khi bạn tiếp xúc với gia cầm thì cần được trang bị bảo hộ kĩ càng, đầy đủ bao gồm: Áo choàng, găng tay, ủng, mũ, mặt nạ… Sau đó, bạn cần vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn trước khi tiếp xúc với mọi người và đồ ăn, thức uống.

- Thường xuyên kiểm tra đàn gia cầm để phát hiện sớm những trường hợp bất thường như ủ rũ, kém ăn… Bạn nên kiểm tra lượng thức ăn, nước uống hàng ngày của gia cầm để biết được tình hình sức khỏe của chúng.

- Cách ly những gia cầm có biểu hiện khác thường. Khai báo ngay với cán bộ thú ý cơ sở, địa phương hoặc Trạm Thú y huyện khi nghi ngờ đàn gia cầm bị mắc bệnh để được hướng dẫn xử lý kịp thời và phòng chống đúng cách.

- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo máng ăn, máng uống của gia cầm luôn được an toàn vệ sinh. Tẩy uế chuồng trại nuôi gia cầm đều đặn, có thể phun thuốc phòng tránh dịch bệnh ở môi trường xung quanh nhà ở.

Hồng Nam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!