Đủ giải pháp kiểm soát cúm gia cầm

Thời sự - 11/24/2024

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Long- Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết về diễn biến của dịch bệnh cúm gia cầm đang xảy ra tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh) với số lượng tiêu huỷ tới ngày 17/2 là trên 62.000 gia cầm. Tuy nhiên, ông Long nhận định so với tổng đàn gia cầm cả nước trên 467 triệu con thì số gia cầm nhiễm cúm chỉ chiếm số lượng rất nhỏ và đều là những ổ dịch xảy ra ở đàn gi

Đủ giải pháp kiểm soát cúm gia cầm

Ông Nguyễn Văn Long.

Theo ông Nguyễn Văn Long, cúm gia cầm xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2003. Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh cúm gia cầm. Do đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh. Cụ thể, năm 2019, cả nước có tổng cộng khoảng trên 467 triệu gia cầm. Tuy nhiên, vào thời điểm trước và sau tết, khi có các yếu tố bất lợi về thời tiết là điều kiện cho các loại mầm bệnh có thể phát triển và gây dịch. Nhưng, so với hằng năm, dịch bệnh cúm gia cầm hiện xảy ra rải rác và không có bất kỳ diễn biến bất thường.

PV: Cục Thú y đang cùng các địa phương triển khai những giải pháp gì để ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Long: Khi dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh đề nghị tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn để tránh trường hợp dịch bệnh bùng phát, nhất là khi các ổ dịch mới phát hiện phải xử lý tiêu huỷ ngay. Sau đó, chúng tôi đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra công văn chỉ đạo triển khai việc này. Gần đây nhất ngày 17/2, Cục Thú y đã tham mưu Bộ trưởng ký ban hành Chỉ thị về việc tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là 2 bệnh cúm gia cầm và bệnh lở mồm, long móng. Như vậy, phải khẳng định về văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật là rất đầy đủ cho từng loại bệnh, từng địa phương, chưa kể Cục đã có văn bản thông báo tình hình lưu hành virus cúm gia cầm, cũng như khuyến cáo sử dụng chủng vaccine nào cho phù hợp với từng địa phương.

Trước đó, chúng tôi đã báo cáo Bộ chủ quản, Chính phủ để có quyết định xuất cấp từ nguồn dự trữ Quốc gia 4,5 triệu liều vaccine giúp các địa phương có nguy cơ cao tiêm phòng cúm gia cầm. Như vậy phải khẳng định, đến thời điểm này, việc tổ chức triển khai từ Chính phủ đã rất quyết liệt.

Vấn đề chính bây giờ là đề nghị các địa phương chủ động triển khai theo đúng Luật và chỉ đạo của Bộ NNPTNT, của Chính phủ, tránh tình trạng bệnh dịch tiếp tục phát sinh và lây lan diên rộng. Song song với việc đó cần tập trung hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm…

Thưa ông, cụ thể vai trò của Cục Thú y giám sát virus cúm gia cầm như thế nào thời gian qua?

-Từ năm 2003 đến nay, khi dịch bệnh mới xuất hiện, Cục Thú y với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế của các nước, đặc biệt là Chính phủ Hoa Kỳ, hằng năm đã tiến hành tổ chức giám sát tại ít nhất trên 26 tỉnh thành, có những năm lên đến gần 50 tỉnh thành trên cả nước. Hằng tháng chúng tôi lấy mẫu tại các chợ buôn bán gia cầm, và xác định đó là nơi có nguy cơ cao nhất, sau đó về xét nghiệm, nếu có kết quả dương tính sẽ xử lý ngay. Cộng với truy xuất nguồn gốc để xem vùng có nguy cơ cao hay không để tìm biện pháp phòng chống. Cùng với việc đó, tất cả các trường hợp nghi ngờ nhập lậu vận chuyển từ nước ngoài về thì trước khi tiêu huỷ chúng tôi đều lấy mẫu xét nghiệm. Hằng tháng đều có báo cáo kết quả. Ngay sau khi xét nghiệm có kết quả chúng tôi đã gửi cảnh báo đến chủ các trại gia cầm cũng như cảnh báo cho cơ quan thú y địa phương triển khai biện pháp xử lý các đàn nhiễm virus cúm. Kết quả xét nghiệm trong nhiều năm qua đã giúp cho việc kịp thời phát hiện, cảnh báo cho chủ vật nuôi, chính quyền và cơ quan chuyên môn ở cơ sở.

Qua việc giám sát chúng tôi biết được chủng loại virus đang lưu hành tại Việt Nam từ đó đưa ra khuyến cáo sử dụng loại vaccine cho từng địa phương, từng nhánh virus. Bên cạnh đó chúng tôi có đủ cơ sở khoa học, đủ cơ sở thực tiễn cung cấp cho đối tác nhập khẩu gia cầm tại Việt Nam. Có thể khẳng định, thông qua giám sát là điều kiện quan trong để chủ vật nuôi, chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn thú y các cấp xây dựng và chứng minh chuỗi chăn nuôi gia cầm, các vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Đến thời điểm hiện tại chúng ta có gần khoảng 900 chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Trong đó có hàng chục huyện, vùng an toàn với bệnh cúm. Đây là một trong những giải pháp phòng bệnh rất chủ động mà trong nhiều năm qua Bộ và Cục đang tập trung triển khai làm tốt.

Xin nhấn mạnh để người dân yên tâm, hiện nay chúng ta có đủ lượng vaccine cúm gia cầm có chất lượng, rất mong người chăn nuôi chủ động tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm có nguy cơ cao. Hiện chúng ta có 99,99% số đàn gia cầm vẫn an toàn, không có quan ngại bất kỳ điều gì liên quan đến dịch bệnh cũng như an toàn thực phẩm, do đó người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ các sản phẩm gia cầm. Chỉ có một phần vô cùng nhỏ đã được phát hiện và xử lý triệt để. Chúng tôi tiếp tục giám sát để thực hiện việc đó.

Với tổng đàn gia cầm lớn, qua giám sát Cục Thú y thấy được những khó khăn gì đặt ra trong công tác ngăn chặn dịch bệnh?

-Cũng trong thời gian vừa qua, khi triển khai giám sát dịch bệnh, qua xử lý một số ổ dịch chúng tôi có gặp một số khó khăn như: Bản thân một số chủ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo cũng như theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó một số địa phương do trong nhiều năm qua ta đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh, do đó cũng có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm. Hiện nay chúng tôi đang thực sự gặp khó khăn trong hệ thống thú y thôn bản, xã (trên 20 tỉnh thành không có thú y xã, thôn bản), huyện (trên 60%), thậm chí thú y cấp tỉnh (4 tỉnh) hoặc không còn hoặc sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiêp của huyện (tỉnh). Mong rằng, trong thời gian tới, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức kiện toàn, củng cố năng lực hệ thống thú y các cấp nhằm đảm bảo nguồn lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói riêng và công tác thú y nói chung đạt hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!