Đó là số liệu được dẫn từ báo cáo về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 5-3.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch cúm gia cầm (CGC), trong đó có 38 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1.
Số liệu này so với báo cáo ngày 25-2 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Thủ tướng Chính phủ thì đã tăng thêm 10 ổ dịch trong vòng 10 ngày.
Cán bộ thú y tiêu hủy đàn gia cầm bị dịch cúm tại Bắc Ninh. Ảnh: DÂN VIỆT
13 tỉnh, TP có dịch bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là 137.180 con.
May mắn có 3 tỉnh đã hết dịch cúm gia cầm là Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân bệnh cúm gia cầm vẫn diễn biến phức tạp là do tổng đàn gia cầm đang rất lớn với hơn 467 triệu con, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều. Cạnh đó, tại một số địa phương, tỷ lệ tiêm vaccin phòng cúm gia cầm đạt tỷ lệ thấp, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi... Kết quả giám sát chủ động cho thấy mức độ virus cúm gia cầm còn lưu hành ở mức tương đối cao, nhất là ở đàn vịt mang trùng, không biểu hiện bệnh.
Theo đánh giá của Bộ này, tất cả các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi có đàn gia cầm chưa được tiêm phòng; đặc biệt là trên các đàn vịt của các hộ trước đó nuôi heo sau mới chuyển sang nuôi gia cầm.
Trong khi dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp như vậy thì hệ thống thú y cơ sở, nhất là thú y cấp thôn, xã, huyện không còn hoặc đã sáp nhập thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp nhưng không nắm được tình hình, không báo lên cơ quan thú y cấp tỉnh để hướng dẫn, xử lý kịp thời.
'Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay thực sự rất cần lực lượng thú y cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý dịch, không để lây lan ra cộng đồng', đại diện Cục Thú y cho biết.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!