Vật vã tìm cách tránh thai
Hơn 40 tuổi, có với nhau đã đủ nếp đủ tẻ nhưng gia đình chị Hoa (Hà Nội) đã 2 lần phải đi bỏ thai vì không thể tìm được một phương pháp ngừa thai phù hợp với cơ địa có tiền sử dị ứng của cả 2 vợ chồng. Sau khi sinh bé thứ hai, vợ chồng Hoa quyết định dùng bao cao su để ngừa thai, tuy nhiên anh Minh, chồng chị bị dị ứng trầm trọng.
Sau cuộc 'yêu' lần thứ nhất, ngỡ không có vấn đề gì nhưng ngay khi bỏ bao cao su ra, anh Minh cảm thấy ngứa rát khó chịu ở quanh vùng bẹn và toàn bộ dương vật. Nghĩ có thể do anh mới ăn cua biển trong bữa tối nên 2 vợ chồng không để ý nữa.
Lần thứ 2, anh chị vẫn ung dung bỏ bao cao su ra dùng. Cũng như lần đầu, sau khi 'yêu' vợ xong, dọc dương vật anh Minh lấm chấm đỏ, ngứa rát lan sang cả bìu và các vùng xung quanh. Nghĩ chỉ dị ứng thông thường, vệ sinh sạch sẽ lại bình thường trở lại, thế nhưng, đến quá đêm, toàn bộ vùng kín ngứa râm ran khiến anh Minh không thể ngủ được.
Không ít người gặp khó khăn trong việc tìm ra các phương pháp tránh thai an toàn (Ảnh: Internet)
Sáng dậy, trên dương vật anh xuất hiện những mụn nước, bỏng rộp chỉ trực trầy xước, vỡ ra. Thương chồng, chị Hoa quyết định sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày loại cho con bú dù biết không tốt đến sức khỏe và có thể gây phản ứng phụ.
Sau khi dùng thuốc, các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, tê bì, mờ mắt, đau ngực, mệt mỏi xuất hiện suốt 2 tháng liền khiến chị Hoa nghĩ ngay đến khả năng dị ứng loại thuốc này dù biết nó có thể có phản ứng phụ. Ngay lập tức chị bỏ dùng thuốc và 2 vợ chồng thống nhất tính ngày rụng trứng hoặc xuất tinh bên ngoài để ngừa thai.
Tuy nhiên, anh chị đã gặp 'tai nạn' đến 2 lần bởi cách ngừa thai truyền thống này. Sau lần thứ 2 bỏ thai, nghe nói về miếng dán ngừa thai – an toàn, dễ sử dụng, chị Hoa khấp khởi mua dùng với giá 210.000 đồng/3 miếng (dùng được 1 tháng).
Dùng hết 3 miếng dán trong 1 tháng, triệu chứng như lần uống thuốc tránh thai trước đó cũng không hết mà còn khó chịu hơn. Chị Hoa đến gặp bác sĩ xin tư vấn tránh thai vì không muốn mình bị 'tai nạn' thêm lần nào nữa.
Bất lực dù đã dị ứng, dùng thuốc hay miếng dán
Lý giải về trường hợp anh Minh khi dị ứng bao cao su, bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Khoa Sản phụ, Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội cho biết, có thể anh này đã bị dị ứng do nhựa cao su, chất bôi trơn được sử dụng trong đó hoặc đôi khi là dị ứng với cả 2 yếu tố trên.
Thông thường, chuyên gia này cho hay, triệu chứng phản ứng sẽ xảy ra sau một vài phút hoặc một vài giờ khi có tiếp xúc với bao cao su. 'Thay vì sử dụng những loại bao cao su có mùi, màu sắc sặc sỡ, có gai, các bạn nên sử dụng loại truyền thống đơn giản không mùi, màu da trơn.
Miếng dán tránh thai rất tiện dụng và được nhiều người lựa chọn (Ảnh: Internet)
Nếu vẫn dị ứng, người nữ nên chủ động tìm phương án tránh thai khác', bác sĩ Dung nói. Miếng dán tránh thai là một miếng mỏng, màu da, đường kính khoảng 4,5cm, có 2 thành phần ngừa thai chính là oestrogen và progesterone.
Chị em có thể dán miếng tránh thai này trực tiếp vào vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay và không thể tự rơi ra nếu không có tác động.
Miếng dán sẽ ngăn ngừa có thai bằng cách ngăn cản sự rụng rứng ở người nữ. Nó cũng làm chất nhầy cổ tử cung đặc lại, làm cho tinh trùng khó gặp trứng. Giải thích thắc mắc của người vợ về việc tại sao sử dụng thuốc tránh thai và miếng dán tránh thai đều bị dị ứng, vị bác sĩ này cho biết: 'Đó là điều đương nhiên'.
'Trong cả 2 phương pháp ngừa thai này đều có thành phần hooc môn là oestrogen và progesterone. Nếu bạn bị dị ứng với thuốc thì đương nhiên sẽ dị ứng với tất cả các phương pháp tránh thai khác mà cùng có 2 thành phần này'. Theo đó, khi dị ứng, người sử dụng miếng dán có thể bị đau đầu, cương ngực, ra máu âm đạo bất thường; buồn nôn; chướng bụng.
Thậm chí chuyên gia sản khoa này còn cho biết có thể tăng nguy cơ gây máu vón cục và bệnh về tim mạch. 'Nếu đã dị ứng với các thành phần trong thuốc hay miếng dán tránh thai, chị em nên tìm đến biện pháp đặt vòng hoặc cấy que tránh thai.
Với 2 phương pháp này, đa số các chị em cơ địa dị ứng đều sử dụng được. Tuy nhiên, những người viêm nhiễm phụ khoa nặng, biện pháp đặt vòng cũng cần phải xem xét', bác sĩ Lê Thị Kim Dung khuyên.
>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng chung
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!