Tiết canh: 'Quả bom' trong dịch cúm gia cầm

Sống khỏe mạnh - 05/17/2024

Món ăn này ẩn chứa nhiều căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người.

Tiết canh là món ăn quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là cánh mày râu. Món ăn được chế biến từ máu sống của động vật (thường là gà, vịt, ngan, lợn), pha với nước muối loãng rồi trộn với thịt, sụn của động vật băm nhỏ. Tuy rất được ưa chuộng và phổ biến nhưng món ăn này lại có nguy cơ gây hại khôn lường với sức khỏe.

Tiêu chảy cấp

Đây là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá, cực nguy hiểm vì lây lan nhanh, gây dịch lớn và có tỷ lệ tử vong cao. Tiêu chảy cấp khiến người bệnh bị mất nước nặng, mắt lõm sâu, người mệt lả, trụy mạch, hôn mê, rất dễ tử vong.

Tiết canh: 'Quả bom' trong dịch cúm gia cầm

Tiết canh là 'món tủ' của nhiều người

Nhiễm các loại vi khuẩn, vi-rút

Người ăn tiết canh có nguy cơ nhiễm tụ cầu khuẩn vàng. Đây là một loại vi khuẩn nhiễm vào thực phẩm trong quá trình giết mổ, có khả năng gây nhiều bệnh nguy hiểm. Chỉ trong vòng 4 - 5 giờ, chúng có thể sinh ra nhiều độc tố thấm vào trong niêm mạc dạ dày, ruột, máu và tác động lên hệ thần kinh… dẫn đến ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy… Đặc biệt, chúng còn có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh nên nếu không cấp cứu kịp, người bệnh có thể tử vong.

Bên cạnh đó, ăn tiết canh gà, vịt rất dễ nhiễm vi-rút cúm gia cầm (A/H5N1, H1N1, H7N9, H10N8). Đây là căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Ăn tiết canh chó dễ bị mắc bệnh dại nếu máu và thịt của chó bị nhiễm vi-rút dại.

Ngoài ra, ăn tiết canh còn có thể nhiễm các loại vi khuẩn, vi-rút đặc biệt nguy hiểm khác như vi khuẩn Salmonella gây nhiễm trùng máu, phá hủy các tổ chức phủ tạng; vi-rút đường ruột (Polyo) gây tàn phế suốt đời; vi-rút Astro gây hủy hoại niêm mạc ruột, viêm dạ dày trên người và một số loại vi-rút gây viêm gan A sau 28 - 30 ngày, viêm gan E sau 40 ngày.

Tiết canh: 'Quả bom' trong dịch cúm gia cầm

Tuy nhiên, có không ít bệnh nguy hiểm tiềm ẩn từ món ăn này

Nhiễm các loại giun sán

Có không ít trường hợp ăn tiết canh bị nhiễm giun, sán, chủ yếu là sán lá gan, giun móc, giun xoắn, sán não. Bệnh giun xoắn rất nguy hiểm, gây sốt cao kéo dài, khiến người bệnh bị giảm thị lực, liệt chân tay. Bệnh sán não có các triệu chứng co giật do sán chèn lên não, làm thương tổn vùng não.

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococus suis (S. suis), có thể sống ở nhiệt độ 60oC trong 10 phút, 50oC trong 2 giờ và 10oC trong 6 tuần. Loại vi khuẩn này gây ra các bệnh nguy hiểm ở lợn và lây cho người như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm khớp, sốc nhiễm khuẩn… với tỉ lệ tử vong cao.

Tiết canh: 'Quả bom' trong dịch cúm gia cầm

Một bệnh nhân hôn mê vì viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn

Người bị nhiễm liên cầu lợn biểu hiện bằng 3 thể bệnh: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết hoặc kết hợp cả viêm màng não mủ lẫn nhiễm khuẩn huyết.

Triệu chứng của bệnh viêm màng não thường là sốt cao, đau đầu, ù tai, điếc, buồn nôn, nôn, đau cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất hiện tình trạng xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. 

Với trường hợp bị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân sẽ sốt cao liên tục, phát ban hoại tử bắt đầu từ màu hồng cánh sen, sau đó chuyển sang đỏ tím, lan ra toàn thân rồi hoại tử đen. Nếu nặng, người bệnh có thể bị một số biến chứng như sốc nhiễm độc, trụy mạch, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, hoặc suy đa phủ tạng dẫn đến hôn mê và tử vong. 

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để tránh mắc phải các căn bệnh nguy hiểm trên, bạn không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, bị xuất huyết hoặc phù nề. Thịt lợn phải được nấu chín. Không ăn lợn chết, các món ăn tái, còn sống, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Ảnh minh họa: Internet

Thu Hoài

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!