Nguyên nhân gây ngất
Do phản xạ thần kinh như: cường phế vị, hội chứng xoang cảnh nhạy cảm.
Do hạ huyết áp tư thế.
Do rối loạn nhịp tim: suy nút xoang, blốc nhĩ thất, nhịp nhanh thất, hội chứng QT dài...
Do một số bệnh tim thực tổn như: hẹp van động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại, tách thành động mạch chủ...
Khoảng 1/3 các trường hợp ngất không xác định được nguyên nhân. Ngất qua trung gian thần kinh thường là lành tính, trong khi đó, ngất do các nguyên nhân tim mạch có tiên lượng nặng nề hơn.
Những xét nghiệm cần làm
Một số tình trạng giống với ngất cần phải chẩn đoán phân biệt như: ngộ độc cấp, co giật, động kinh, hạ đường huyết, tăng thông khí... Tất cả các tình trạng này không có hiện tượng giảm tưới máu não.
Cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp giống ngất, xác định có bệnh tim thực tổn hay không. Cần chẩn đoán nguyên nhân gây ngất giúp cho việc tiên lượng và có biện pháp dự phòng ngất có hiệu quả.
Khai thác tiền sử kỹ lưỡng, khám lâm sàng và ghi điện tâm đồ 12 chuyển đạo có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân trong 38 - 63% các trường hợp ngất. Đặc biệt là việc lượng giá các triệu chứng lâm sàng bằng các bảng điểm Calgary... giúp chẩn đoán phân biệt ngất do rối loạn nhịp tim hay ngất qua trung gian thần kinh.
Ngất là tình trạng mất ý thức một cách tạm thời (Ảnh minh họa: Internet)
Siêu âm tim giúp xác định một số bệnh tim thực tổn gây ngất. Nghiệm pháp bàn nghiêng là phương pháp có giá trị trong chẩn đoán ngất qua trung gian thần kinh. Các phương pháp theo dõi điện tim như Holter điện tim, máy ghi biến cố (Event recorder) hay máy ghi điện tim cấy trong cơ thể rất có ích trong các trường hợp ngất nghi ngờ do rối loạn nhịp tim.
Các nghiên cứu cho thấy, giá trị của máy ghi điện tim cấy trong cơ thể với 63 - 88% các trường hợp phát hiện được rối loạn nhịp tim gây ngất. Thăm dò điện sinh lý tim có thể gây nên các rối loạn nhịp tim hoặc có bằng chứng của suy nút xoang, rối loạn dẫn truyền qua nút nhĩ thất. Tuy nhiên, không thể xác định được mối tương quan thực sự giữa ngất với những bất thường trên.
Phương pháp điều trị
Điều trị ngất dựa vào nguyên nhân gây ngất với mục đích dự phòng ngất tái phát. Ngất do nguyên nhân tim mạch thường là nguy hiểm, có thể gây tử vong nhưng điều trị lại khá hiệu quả với các phương pháp: cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, cấy máy phá rung, can thiệp tái thông động mạch vành, phẫu thuật...
Trong khi đó, ngất qua trung gian thần kinh ít nguy hiểm nhưng lại không có phương pháp điều trị đặc hiệu như: chế độ ăn mặn, chế độ tập luyện để tránh tụt huyết áp tư thế, sử dụng một số thuốc như chẹn beta giao cảm, kích thích alpha giao cảm, corticoids...
>>Xem thêm: Hỏi đáp về hiện tượng ngất xỉu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!