Tột cùng nỗi đau từ sự kỳ thị ở 'xóm AIDS'

Sống khỏe mạnh - 05/21/2024

Sự ghẻ lạnh, kỳ thị với người nhiễm HIV ở 'xóm AIDS'(Hòa Bình)khiến nhiều người nhiễm bệnh nghĩ đến chuyện tự tử.

Năm 2003 đã trở thành một mốc lịch sử đau thương đối với người dân Đá Bạc (xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) khi có hàng loạt gia đình phải chịu cảnh tang tóc vì HIV. Cuộc 'đại xét nghiệm' đưa ra một con số kinh hoàng: gần 1/10 dân số thôn nhiễm HIV.

Trong số những hộ có người nhiễm HIV được ghi nhận ở Đá Bạc (xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), đáng thương nhất là gia đình bà Biên. Gia đình bà có 3 người con trai, 2 cậu đầu vốn nổi tiếng ngoan ngoãn, mạnh khỏe được mọi người quý mến, sau một năm đi làm bãi vàng về đều trở thành thân tàn ma dại.

Người con thứ 2 của ông bà chính là chàng trai bị trả về khi đi khám nghĩa vụ quân sự. Trong vòng 2 năm từ khi phát hiện, hai anh em lần lượt qua đời khi mới vừa đôi mươi. Từ khi hai anh chết, cậu em út đâm ra chán nản không chịu học hành, cả ngày chỉ như một cái bóng vô hồn, không giao lưu, tiếp xúc với bất cứ ai. Cũng từ đấy, hai ông bà trở thành lao động chính trong gia đình.

Lau những giọt nước mắt đang rỉ ra nơi khóe mắt, bà Biên nhớ về những ngày tháng sống trong sự kỳ thị, tủi nhục: 'Ngày ấy, vợ chồng tôi và các con đâu đã biết HIV - AIDS là gì. Chỉ nghe người ta nói đấy là căn bệnh của những kẻ nghiện ngập, chích hút, chơi bời. Bệnh dễ lây và không có thuốc chữa. Cuộc sống lúc đó như trong địa ngục. Cả gia đình tôi sống trong kỳ thị của xóm làng. Họ tránh những người bị nhiễm đã đành, đằng này xa lánh luôn cả những người sống trong gia đình có người nhiễm HIV. Khi nhà tôi ra đường, người làng tránh như tránh hủi ấy. Ngay cả đi làm nông cũng không ai dám lại gần cho chúng tôi đứng vì sợ lây'.

Tột cùng nỗi đau từ sự kỳ thị ở 'xóm AIDS'

Sụ kì thị ở 'xóm AIDS' khiến cuộc sống của người dân nơi đây càng trở nên cơ cực (Ảnh minh họa: Internet)

Ông Túc (người dân xóm Đá Bạc) kể lại: 'Đó là khoảng thời gian mà không người dân nào ở cái thôn Đá Bạc có thể quên được. Có những người đi làm thuê mà không dám vào nhà để lấy tiền công, nhận tiền còn phải lấy túi bóng, khăn cuốn nhiều lớp vì sợ lây. Rau, củ, quả của những người bị HIV bán chẳng ai mua. Có người phát điên vì nuôi cả đàn gà nhưng vì bị HIV nên không ai mua. Đàn gà cứ thế ngày một phát triển, đến mức không đủ thức ăn cho chúng ăn. Nhiều người đến nhà có đám thì bịt mồm, bịt miệng đưa phong bì rồi về thẳng chẳng ở lại hỏi han, chia sẻ.

Có nhà nằm ngay cạnh nhau thì bịt cửa sổ, thông hướng khác để đi lại. Họ còn không dám nói chuyện với những người sống cùng nhà với các bệnh nhân nhiễm HIV. Chính sự ghẻ lạnh, kỳ thị như không phải giữa con người với con người như thế mà có nhiều bệnh nhân nhiễm HIV ở Đá Bạc nghĩ đến chuyện tự tử.

Như trường hợp chị Nguyễn Thị Quyết một bệnh nhân bị lây nhiễm từ người chồng. Khuôn mặt khắc khổ, dáng gầy gò, xiêu vẹo biến người phụ nữ mới ngoài 30 này như đã gần 60.

Góa một đời chồng, chị và con gái riêng tưởng như tìm được bến đỗ tình yêu với chàng trai mới trở về từ bãi vàng trong Quảng Ngãi. Nhưng từ ngày lấy nhau, anh ngày càng ốm yếu. Chị gom góp được vài đồng đưa anh đi khám ở bệnh viện tỉnh. Và anh được xác định nhiễm HIV, chị cũng đã bị lây nhiễm, bé trai con của anh chị mới 3 tháng tuổi đã qua đời. Ít lâu sau, anh cũng bỏ chị sang thế giới bên kia. Một mình chị phải đối diện với sự kỳ thị của làng xóm.

Chị không còn có cả cơ hội để kiếm tiền nuôi con. Không ít lần chị đã muốn tự tử nhưng vì đứa con gái còn quá nhỏ, chị vẫn kiên cường quyết tâm. Giờ đây chị đã trở thành một người tuyên truyền về căn bệnh AIDS này. Nhờ sự tuyên truyền của chị, nhiều người cũng dần xóa bỏ sự kỳ thị HIV/AIDS.

>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!