Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi L.M.K, 7 tháng tuổi, cân nặng 7 kg, quê ở Bình Dương, nhập viện trong tình trạng nhịp tim rất nhanh và thường xuyên mệt trong ngày.
Kết quả kiểm tra cho thấy ngoài rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến đột tử nếu không điều trị kịp thời - hội chứng hiếm gặp Wolff – Parkinson – White (WPW), bé K còn mắc một dị tật tim tên Ebstein, gây tím nặng. Tình trạng bé trở nên không ổn định, bú kém và tím nhiều hơn trong thời gian nằm viện. Chính loạn nhịp tim làm cho các bác sĩ không thể chỉ định phẫu thuật cho trẻ vì lo ngại trẻ sẽ nặng trong giai đoạn hậu phẫu.
Trước trường hợp khó và hiếm gặp này, các bác sĩ quyết định thực hiện chỉ định thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần. Tuy nhiên việc phẫu thuật cho em bé là hết sức khó khăn bởi lẽ chính tình trạng rối loạn nhịp tim đặt ca mổ và cả quá trình hậu phẫu vào rủi ro lớn là bé không qua khỏi. Theo y văn, các trường hợp can thiệp đều thực hiện trên trẻ trên 5 tuổi và nặng 15 kg trở lên.
Các bác sĩ chia sẻ lại quá trình điều trị ca bệnh cho bé K. Ảnh: Kim Vân
Sau khi 'cân não', các bác sĩ quyết định chuẩn bị dụng cụ nhỏ dành riệng cho trường hợp này và dùng kỹ thuật đốt với đường vào tối thiểu nhằm tránh tổn thương mạch máu. Cuối cùng sau 2 giờ thực hiện, các bác sĩ đã kiểm soát được cơn nhịp nhanh và trẻ hồi phục an toàn. Đây là ca nhỏ ký nhất (kèm tim bẩm sinh nặng) từ trước đến nay được can thiệp tại bệnh viện Nhi đồng 1 và khu vực phía Nam.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Bùi Gio An – người trực tiếp tham gia vào ca điều trị này của Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì: 'Ca này làm rất hồi hộp và căng thẳng vì bệnh nhi nhỏ, không dám đốt mạnh tay, cường độ đốt cũng phải điều chỉnh xuống thấp nhất. Các bác sĩ không dám cho bệnh nhân về sớm, phải giữ lại 24 tiếng để đảm bảo sức khỏe. Hiện tại hôm nay bệnh nhân đã ra viện, ổn định'.
Bé K hồi phục trong vòng tay mẹ Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1 cung cấp
Hiện nay bệnh viện Nhi đồng 1 là đơn vị đầu tiên khu vực phía Nam triển khai can thiệp loạn nhịp tim cho đối tượng trẻ em. Bằng kỹ thuật mới này, từ tháng 6/2019 các trẻ mắc rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh trên thất, rối loạn nhịp thất, ngoại tâm thu …) đã được điều trị thành công khi các phương pháp điều trị thuốc đã thất bại.
Theo thống kê tính đến đầu tháng 12/2019, đã có 40 trẻ được chẩn đoán và can thiệp hiệu quả nhờ phương pháp mới này và số lượng bệnh nhi được gửi đến ngày càng tăng. Bệnh viện cũng xác định đây là hướng phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, tiến tới chăm sóc toàn diện cho các bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!