Không giống như chỉ số thông minh IQ gần như khó thay đổi, chỉ số EQ lại phụ thuộc nhiều vào cách nuôi dạy của bố mẹ. Vấn đề cực kỳ quan trọng với các bậc cha mẹ là việc giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc EQ phải dựa trên sự thấu hiểu thực tế: trái tim và trí não vẫn còn non nớt của trẻ có thể thực sự tiếp nhận những gì, tiếp nhận đến đâu?
Các chuyên gia gợi ý cha mẹ 5 câu hỏi dưới đây để kiểm tra chỉ số EQ của con mình, hãy thử hỏi xem con trả lời như thế nào nhé.
Giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc EQ phải dựa trên sự thấu hiểu thực tế (Ảnh minh họa)
1. Con tôi có thể mô tả cảm xúc của mình không?
Hãy tự đặt ra câu hỏi này từ sớm và giúp trẻ gọi tên rõ ràng từng trạng thái cảm xúc. Ví dụ, khi con bĩu môi, bạn có thể hỏi: 'Con có vẻ khó chịu' hay 'Con đang bực bội chuyện gì à?'. Khi con vui vẻ, hớn hở, bạn cũng làm tương tự.
Theo giáo sư tâm lý học Steven Meyers tại Đại học Roosevelt (Hoa Kỳ), cách tốt nhất để giúp một đứa trẻ trở nên thông minh hơn về mặt cảm xúc là nói chuyện với chúng về cảm xúc.
Cha mẹ có thể nói chuyện với con tương tự như giới thiệu với chúng 1 hộp bút màu. Ban đầu, hầu hết trẻ sẽ nhận diện được những màu cơ bản, tức là biết gọi tên được cảm xúc buồn - vui, đau khổ. Mục tiêu là cho con làm quen với hộp bút màu lớn hơn, nhiều màu sắc hơn, nói khác đi là dần dần giúp con nhận biết nhiều loại cảm xúc phức tạp khác nhau, biết phân biệt cảm giác buồn và tội lỗi hay khác biệt giữa cảm giác lo lắng và hoảng loạn.
2. Con tôi có thể mô tả được cảm xúc của người khác không?
Trí thông minh cảm xúc không chỉ là sự hiểu biết những gì diễn ra trong con người mình mà còn liên quan tới việc nhận biết, đồng cảm với cảm xúc của người khác. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hãy hỏi con xem các nhân vật trong cuốn sách con yêu thích đang cảm thấy thế nào.
Lưu ý quan trọng ở đây là bạn đừng kỳ vọng quá nhiều, bởi sự thấu cảm cần thời gian để đâm chồi nảy lộc.
3. Cách cư xử của trẻ có giống như bạn bè cùng trang lứa không?
Bố mẹ nên cẩn trọng khi so sánh con bạn với những đứa trẻ khác bởi mỗi bé phát triển theo cách riêng của mình. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là cố gắng tìm hiểu về trí thông minh cảm xúc của con, việc so sánh này sẽ là cần thiết. Để ý xem trên sân chơi, con có gặp khó khăn để kiểm soát sự tức giận khi xảy ra tranh chấp với các bạn khác? Hay con thường chạy đến giúp 1 bạn nào đó vừa bị ngã?
Một gợi ý nữa là phụ huynh có thể tham khảo các mô tả về trí tuệ cảm xúc của trẻ ở lứa tuổi con bạn qua sách báo hoặc qua mạng. Như vậy, cha mẹ sẽ hiểu được con mình đang ở ngưỡng nào của chỉ số EQ.
Để ý xem trên sân chơi, con có gặp khó khăn để kiểm soát sự tức giận khi xảy ra tranh chấp với các bạn khác? (Ảnh minh họa)
4. Trẻ có công cụ nào để xử lý những cảm xúc phức tạp không?
Phát triển trí tuệ cảm xúc là học cách thừa nhận cảm xúc và xử lý chúng như thế nào.
Khi đặt ra câu hỏi: 'Con có thể xử lý những cảm xúc khó không?', bạn hãy lưu ý tới độ tuổi của trẻ. Ví dụ, các cơn mè nheo, ăn vạ thường là đặc điểm của trẻ mới biết đi. Vì vậy, đừng sợ hãi nếu bé 2 tuổi của bạn không thể bình tĩnh lại ngay sau khi trải qua một cảm xúc phức tạp nào đó.
5. Bố mẹ đã làm mẫu cho con như thế nào?
Các bậc cha mẹ nên dành chút thời gian để hiểu rõ về trí tuệ cảm xúc. Có thể khởi đầu bằng việc 'cày' cuốn Emotional Intelligence (Trí thông minh cảm xúc) - một cuốn sách bán chạy từ những năm 1990 đã đặt ra khái niệm về EQ.
Sau đó hãy làm gương cho con trẻ bằng trí thông minh cảm xúc của riêng bạn:
- Dành thời gian để nói chuyện với trẻ về những gì bạn đang cảm thấy.
- Để ý đến cảm xúc của những người khác.
- Chia sẻ với con về cách phản ứng trong những tình huống thường gặp.
- Hướng dẫn trẻ các phương pháp lành mạnh để đối phó với những thứ khó khăn như ra ngoài đi dạo, viết nhật ký, hít thở sâu…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!