Tránh còi xương ở trẻ nhờ tắm nắng

Làm mẹ - 05/06/2024

Dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời các tiền vitamin D là 7 dehydrocholesterol sẽ chuyển thành vitamin D.

Còi xương là một bệnh lí liên quan đến sự phát triển của bộ xương khiến xương trở nên mềm, yếu. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 6-24 tháng tuổi do hậu quả của suy dinh dưỡng hay một dạng bệnh lí độc lập.

Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của bé sau này. Vì vậy, các bà mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân của bệnh để có phương pháp điều trị và phòng tránh hiệu quả.

Dấu hiệu của bệnh còi xương

- Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ.

- Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.

- Các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.

- Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.

- Răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón.

- Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…

- Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ can-xi máu.

Lưu ý:Cần phân biệt bệnh còi xương và suy dinh dưỡng, đặc biệt nhiều người có suy nghĩ chưa thật sự chính xác rằng, suy dinh dưỡng dẫn đến còi xương. Trên thực tế, có những bé khỏe mạnh, cân nặng bình thường vẫn bị còi xương.

Theo BS. Yên Lâm Phúc, bệnh còi xương khiến xương trẻ yếu, mềm và thậm chí biến dạng, đặc biệt là thể lực của trẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các cơ xương không phát triển ngăn cản khả năng hô hấp, cũng như khả năng sinh sản ở bé gái sau này.

BS. Yên Lâm Phúc chỉ ra rằng, có 3 thể còi xương, trong đó còi xương do thiếu vitamin D là phổ biến nhất.

Tắm nắng: Biện pháp hiệu quả phòng bệnh còi xương cho trẻ

Tránh còi xương ở trẻ nhờ tắm nắng

Ảnh minh họa

Nhiều gia đình kiêng khem cho bé quá mức, không để bé tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời. Ánh sáng tử ngoại đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp vitamin D3 ở các tế bào da, và theo các nhà khoa học, chỉ cần tiếp xúc khoảng 10-15 phút mỗi ngày là đủ lượng vitamin D3 cần thiết cho bé. Trong khi đó, quá trình hấp thụ hàm lượng vitamin D từ thức ăn chiếm tỉ lệ không đáng kể bởi khoảng 80% nhu cầu vitamin D được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời.

Sau đây là lời khuyên của bác sĩ khi cho trẻ tắm nắng:

- Các mẹ nên để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10-15 phút trong khung giờ từ 7-9 giờ sang và 17-18 giờ chiều. Khung giờ tắm nắng rất quan trọng bởi trẻ có thể bị ốm, sốt, viêm phổi,… trước khi có được tác dụng từ nguồn năng lượng vô hạn này. Thêm vào đó, những khung giờ khác nắng rất gắt, có nhiều tia tử ngoại gây ảnh hưởng xấu đến làn da và sức khỏe của bé.

- Dưới da có sẵn các tiền vitamin D là 7 dehydrocholesterol, dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời các tiền vitamin sẽ bị hoạt hóa chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phốt-pho, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng.

- Khuyến khích trẻ chạy nhảy để xương trở nên chắc khỏe.

Ngọc Luyện (Tổng hợp)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!