Trẻ bị nhờn kháng sinh vì mẹ tự làm bác sĩ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Trẻ em nông thôn ít dùng thuốc kháng sinh nên không bị 'nhờn', mỗi khi ốm đều nhanh khỏi hơn trẻ thành thị.

Tự làm bác sỹ!

Tại một tiệm thuốc Tây đối diện chợ Tân Mỹ (quận 7, TP.HCM), cuộc đối thoại giữa bà mẹ và cô dược sĩ bán thuốc khiến bác sĩ nghe thấy cũng phải lắc đầu: 'Em ơi, bán cho chị 5 ngày kháng sinh Augmentin loại 250gr. Con bé nhà chị bị ho, sổ mũi kéo dài. Chị đã cho uống 3 ngày Okenxim mà không đỡ. Lần này không hiệu quả chắc đổi qua huyền dịch Klacid'.

Trẻ bị nhờn kháng sinh vì mẹ tự làm bác sĩ

Phụ huynh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh dùng lại toa cũ (Ảnh: Thanh Huyền)

Kháng sinh còn được phụ huynh coi như thần dược, hễ đi khám không thấy bác sĩ kê toa kháng sinh, các mẹ còn quay lại thắc mắc. Thậm chí các mẹ còn rỉ tai nhau, cho nhau mượn toa, hoặc tự mình làm… bác sĩ!

Bác sĩ Bạch Văn Cam, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhà thuốc nhân dân, Chủ tịch Hội Hồi sức tích cực TP.HCM lắc đầu nhận định: 'Ở nước ta sao mà mua kháng sinh dễ thế, chẳng cần toa bác sĩ, cứ chạy ra tiệm thuốc Tây là mua được tất. Trong khi ở nước ngoài, tiệm thuốc chỉ bán thuốc hạ sốt, thuốc bổ, còn lại đều phải có toa mới mua được'.

Nhờn kháng sinh

Theo ghi nhận của bác sĩ Cam tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bệnh nhi từ vùng quê tới khám, điều trị ở bệnh viện đáp ứng tốt và khỏi nhanh hơn trẻ em ở thành phố.

Giải thích điều này, bác sĩ Cam nói: 'Các bé ở quê ít đi phòng mạch, làm gì có điều kiện mà dùng thuốc men. Vì thế khi phải nhập viện chúng tôi chỉ cần cho loại kháng sinh rẻ tiền, đơn giản cũng khỏi. Thế nhưng với những bé ở TP, tưởng rằng được chăm sóc tốt hơn nhưng hở tí là uống thuốc nên bị nhờn'.

Trẻ bị nhờn kháng sinh vì mẹ tự làm bác sĩ

Bác sĩ Cam nhận định trẻ em nông thôn ít thuốc men nhưng khi nhập viện điều trị mau khỏi hơn trẻ ở thành thị (Ảnh: Thanh Huyền)

Bác sĩ Cam lấy dẫn chứng, trước đây trong phác đồ điều trị viêm phổi cho trẻ dưới 5 tuổi chỉ cần chích Penicilline nhưng nay thì bị kháng thuốc hết rồi, gần như chẳng bệnh viện nào dùng loại này nữa.

Hệ quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi gây nhờn thuốc, kháng thuốc vô cùng nguy hiểm. Tại bệnh viện, nhiều bé bị viêm phổi do phế cầu kháng luôn cả với kháng sinh trong phác đồ mới. Tới mức bác sĩ phải cho làm kháng sinh đồ, đổi kháng sinh phù hợp.

Theo quy trình, sau khi dùng kháng sinh, 2-3 ngày sau mới đánh giá được trẻ có đáp ứng hay không. Loay hoay lựa chọn, đổi kháng sinh vô hình trung đã làm chậm trễ thời gian điều trị.

Bác sỹ Cam cho rằng để sử dụng kháng sinh hợp lý, bác sỹ cần phân biệt kĩ nguyên nhân gây bệnh và dành nhiều thời gian hơn để giải thích cho phụ huynh hiểu, tránh trường hợp vì áp lực mà kê toa có kháng sinh để làm yên lòng phụ huynh.

Với người bệnh, khi bị ốm phải đi khám và mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh kiểu mua lại toa cũ, cảm sốt là tự ý dùng thuốc bừa bãi.

Dùng kháng sinh cũng phải đủ liều lượng và thời gian. Một toa thuốc có kháng sinh cần uống từ 5-7 ngày. Nhiều bậc cha mẹ cho con uống 2-3 ngày, thấy trẻ hết sốt tự ý ngưng thuốc. Làm như vậy chẳng những bệnh tái lại mà còn bị nhờn thuốc.

'Cho kháng sinh thì dễ, không cho kháng sinh mới khó', bác sĩ Cam nhắn nhủ!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!