Trẻ bị sặc sữa có nguy hiểm không?

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Sặc sữa là một tai biến vô cùng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Trẻ bị sặc sữa khá phổ biến và có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Khi trẻ bị sặc sữa, sữa tràn vào khí quản, phế quản, thậm chí chui vào tận các phế nang, làm tắc các đường hô hấp hoặc cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, do đó có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Hiện tượng này phần lớn xảy ra ở những trẻ bú bình. Do đó, các bố mẹ phải chú ý đến bầu vú cao su. Lỗ thông của đầu vú cao su không nên đục quá rộng, vì lỗ thông to, sữa sẽ chảy nhanh, chảy mạnh, trẻ không nuốt kịp sẽ bị sặc.

Tốt nhất là nên đục 1-2 lỗ nhỏ ở bên núm vú. Khi cho trẻ bú nên nghiêng chai khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không phải mút nhiều khí dễ bị nôn sau bữa ăn.

Trong khi cho con ăn, người mẹ cần chú ý theo xem sữa có xuống nhiều quá không, trẻ có nuốt kịp không? Phải cho trẻ ăn từ từ, không nên vội vàng, nhất là đối với những trẻ yếu, trẻ sinh non.

Ðối với những trẻ 3-4 tháng đã bắt đầu biết tiếp xúc với những người xung quanh, tai nạn sặc sữa vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân vì các bà mẹ vừa cho con ăn, vừa nói chuyện với nó. Điều này rất không nên, vì trẻ mải hóng chuyện có thể ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt, còn ngửa cổ quá trẻ sẽ bị sặc sữa lên mũi.

Trẻ bị sặc sữa có nguy hiểm không?

Khi trẻ ho hoặc khóc ta phải ngừng ngay, không cho sữa chảy tiếp tục xuống miệng trẻ nữa.

Một số trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ, điều này rất nguy hiểm vì khi đó sữa vẫn chảy nhưng trẻ không nuốt, khi thở mạnh có thể hít sữa lên mũi, gây tắc đường hô hấp.

Một số trẻ không chịu bú bình, các bà mẹ dùng thìa hoặc chén đổ sữa vào miệng để ép uống khiến trẻ không nuốt kịp, dễ bị sặc.

Với những trẻ bú mẹ thì tai biến sặc sữa hiếm gặp, có thể gặp trong trường hợp mẹ nhiều sữa mà con lại yếu nên sức ăn kém không nuốt kịp, sữa xuống nhiều gây sặc. Hoặc ban đêm mẹ vừa nằm ngủ vừa cho con bú, cho trẻ ngậm vú để khỏi khóc có thể làm trẻ sặc.

Xử trí trẻ bị sặc sữa ra sao?

Sặc sữa là một tai biến rất nguy hiểm, đòi hỏi phải được xử trí cấp cứu tại chỗ. Hầu hết các cháu bị sặc sữa đều chết nhanh không kịp tới bệnh viện là do không được xử trí cấp cứu ngay sau khi tai biến xảy ra.

Theo bác sĩ Hà, khi trẻ bị sặc sữa, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh thực hiện sơ cứu theo các bước: Trước hết vỗ lưng, ấn ngực bằng cách cho trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải, dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh và nhanh năm cái vào lưng trẻ nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống sữa ra khỏi đường hô hấp. Nhưng chú ý phải vỗ nhẹ nhàng tránh trường hợp vỗ quá mạnh, trẻ không tử vong vì sặc sữa mà là do sơ cứu không đúng cách khiến phổi trẻ tổn thương nặng. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh năm cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối hai vú khoảng 1-2cm. Lặp lại đến năm-sáu lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.

Cách nhanh nhất và đơn giản nhất gia đình có thể làm ngay được là người lớn dùng miệng hút mạnh mũi và miệng trẻ. Hút càng mạnh, càng nhanh càng tốt, nếu để chậm sữa sẽ vào sâu trong khí quản, hút khó ra, trẻ bị tắc thở lâu khó cứu. Khi hút sữa xong, nên kích thích mạnh để trẻ khóc và thở được.

Sau đó, đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Cách phòng tránh tử vong khi trẻ sặc sữa

- Với trẻ bú sữa bình: Bình pha sữa của trẻ phải tiệt trùng bằng cách luộc kỹ, đảm bảo vệ sinh khi pha sữa, lỗ thông đầu vú không nên đục quá rộng, tốt nhất đục 1-2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú.

Khi trẻ bú, nên nghiêng chai sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn.

- Với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ: nếu sữa mẹ xuống quá nhiều mà trẻ chưa nuốt kịp, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống.

- Khi cho bé uống sữa, ăn cháo hoặc ăn bột cũng phải cho ăn, uống từ từ. Chờ trẻ nuốt xong miếng trước rồi mới cho ăn tiếp miếng sau. Không ép buộc, dọa nạt bé.

- Nếu trẻ đang khóc thì phải dỗ cho bé nín rồi mới cho ăn hay bú. Đặc biệt khi trẻ đang nức nở là lúc có những nhịp hít vào mạnh sau cơn khóc cũng phải chờ cho qua rồi mới cho ăn hay bú.

- Không bao giờ được bịt mũi hoặc miệng trẻ để buộc bé phải nuốt thức ăn khi trẻ ngậm trong mồm như một số bà mẹ đã làm tránh tình trạng trẻ bị sặc sữa hoặc thức ăn lên mũi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!