Trong lúc được mẹ cho bú, bé gái bất ngờ sặc sữa và rơi vào tím tái, nghẹt thở. Đứng trước sinh tử của con, người cha hốt hoảng đội mưa chạy đi tìm bác sĩ cứu đứa bé. Đó là trường hợp của bé gái 23 tháng tuổi, con một đôi vợ chồng công nhân từ miền Tây lên TP.HCM mưu sinh.
BS Cao Văn Tuân, phòng khám G.B (huyện Bình Chánh, TP.HCM), người tiếp nhận điều trị cho trường hợp này chia sẻ, thời điểm xảy ra sự việc, mẹ đang cho bú sữa thì bé bất ngờ sặc rồi chuyển sang tím tái và nghẹt thở.
Thấy con gặp nguy hiểm, người cha hốt hoảng không kịp chuẩn bị gì, để nguyên người cởi trần, mặc quần đùi ẵm con giữa trời mưa để chạy sang phòng khám cầu cứu bác sĩ.
'Tôi vứt bỏ mọi thứ chạy lại đỡ cô bé đã tím ngắt trên tay cha và làm các thủ thuật cấp cứu hóc dị vật, lấy gạc móc hết dị vật trong miệng bé. Nhờ trời thương mà sau đó bé bật khóc và hồng trở lại'- BS Tuân nhớ lại.
Dù bệnh nhi đã qua cơn nguy hiểm nhưng cần đưa đến bệnh viện (BV) để để theo dõi tiếp tình trạng viêm phổi sau sặc sữa.
Bé gái sau khi thoát chết được cha mẹ dẫn đến cảm ơn BS.
Trước đó vào tháng 10/2017 cũng tại khu vực huyện Bình Chánh, một bé gái 20 ngày tuổi đã sặc sữa đến ngưng thở vì mẹ cho tắm liền sau khi bú no.
Người nhà chở em đến một nhà thuốc gần đó cấp cứu nhưng không thành công nên tiếp tục chuyển bé đến chỗ BS Cao Văn Tuân chữa trị.
Theo BS, khi đến phòng khám bệnh nhi đã qua 'thời gian vàng' trong cấp cứu. Bản thân người mẹ vì quá thương con mà mất bình tĩnh và bấn loạn, chỉ biết nằm khóc mà không xử trí ngay lúc đầu cho cháu bé.
Trường hợp trẻ bị sặc sữa đến ngưng thở vì mẹ cho tắm liền sau khi bú no.
Trước tình trạng khẩn cấp, BS Tuân đã tiến hành xử lý khơi thông đường thở cho cháu bé. Rất may sau khi cấp cứu, bé gái đã qua cơn nguy kịch, mặt dần trở lại hồng hào. Bệnh nhi sau đó được chuyển tiếp đến BV Nhi đồng Thành phố để theo dõi thêm.
Bác sĩ Tuân cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhỏ bị tắc nghẽn đường thở như sặc sữa, sặc cháo, sặc cơm hay hít vào đường thở các vật nhỏ như hạt dưa, đậu phộng, mảng cầu, sa bô chê, đồng tiền, kẹp giấy...
Dấu hiệu nhận biết là trẻ đang khỏe mạnh trước đó bất ngờ xuất hiện hội chứng xâm nhập: ho sặc sụa, tím tái, khó thở.
Bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần cẩn trọng khi cho con bú để tránh dẫn đến những sự cố đáng tiếc.
BS khuyên phụ huynh không nên để cho trẻ em đưa các vật và đồ chơi vào mồm ngậm, mút. Không nên để cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc, các loại hạt... Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ này không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.
BS Nhi Đồng 1 hướng dẫn cách sơ cứu cho bệnh nhi hóc dị vật.
Người lớn cũng cần tránh thói quen ngậm dụng cụ vào miệng khi làm việc. Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, cần đưa đi BV ngay.
'Đừng can thiệp nếu nạn nhân vẫn còn có thể ho, thở hay la, khóc được và đừng cố móc lấy vật lạ ra và dịch chuyển nó nếu bạn không thể thấy được nó vì có nhiều khả năng dị vật rơi vào sâu hơn' - BS Tuân phân tích.
Cách sơ cứu trẻ hóc dị vật:
Trường hợp trẻ còn tỉnh: Cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu dị vật chưa ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
Trường hợp trẻ hôn mê: Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống nạn nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!