Canada tuy là một nước an toàn tại Bắc Mỹ nhưng trẻ em tại đây luôn được giáo dục từ sớm và kỹ càng các cách để bảo vệ bản thân mỗi khi đi ra ngoài, hoặc trước người lạ. Họ dạy cho trẻ những gì phải làm, phải ghi nhớ và vì sao như vậy.
1. Trẻ em không bao giờ được tự phép ăn như bánh kẹo, đồ ăn mà người khác đưa cho
Trước khi đưa bánh kẹo, đồ ăn mời bé nhà mình, các mẹ ở đây luôn hỏi mình trước: 'Bé nhà bạn có được phép ăn những bánh kẹo này không?'. Nếu mình đồng ý thì lúc ấy họ mới dám đưa cho bé. Hoặc nếu họ đang có kẹo trên tay mà trẻ đứng xung quanh chờ đợi được phát thì họ cũng không bao giờ đưa luôn cho trẻ mà bao giờ cũng bảo: 'Hãy hỏi mẹ xem cháu có đuợc phép ăn kẹo này không đã nhé'.
Điều người lớn muốn dạy cho trẻ là phải được sự cho phép của bố mẹ trước đã, nếu không thì không bao giờ được ăn những thứ người khác đưa cho. Lý do là họ sợ trẻ có thể bị dị ứng với một số thức ăn, chẳng hạn như có lạc trong thành phần sẽ gây dị ứng hoặc ngộ độc... Nhưng quan trọng hơn, đó là họ đang dạy cho trẻ thói quen không thể tự ý ăn uống đồ người lạ đưa cho vì có thể trong đó chứa thuốc độc, chất gây mê của những kẻ xấu muốn dụ dỗ, bắt cóc trẻ em.
2. Không được phép nói chuyện hay nhận quà từ người lạ
Những món quà xinh xắn luôn được các bé yêu thích. Nhưng dù vậy, trẻ tuyệt đối không được nhận quà và không được phép nói chuyện với người lạ để tránh những kẻ muốn dụ dỗ trẻ với mục đích xấu.
3. Việc chào hỏi của trẻ
Trẻ cũng không cần phải ra chào hỏi những người lạ đến nhà, hoặc người quen biết đến nhà thì trẻ cũng không cần phải ra chào nếu không muốn, trừ khi đó là người trong gia đình.
Cha mẹ nên gần gũi và dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân (Ảnh: Internet)
4. Tuyệt đối không để người lạ hay quen động chạm vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể
Cho dù đó là người quen biết, hoặc ngay cả người trong gia đình, họ hàng, bà con muốn ôm nựng thì cũng phải được sự đồng ý của chính đứa trẻ trước đã. Nếu trẻ nói không, nghĩa là không được phép. Trẻ có quyền từ chối thẳng thắn khi không thích, không đồng ý người khác động chạm tới mình.
Mình thuờng thấy các bé gái hàng xóm mỗi khi muốn cưng nựng bé nhà mình thì đều nhẹ nhàng xin phép: 'Emily ơi, chị xin phép có thể ôm nhẹ em một cái được không?'. Hoặc họ quay sang xin phép mình để được nựng bé. Nếu bé gật đầu nói được thì các chị mới được phép ôm em. Bé trai 4 tuổi, Kaden, hàng xóm nhà mình dù chơi thân với con gái mình, Emily, 2 tuổi rưỡi nhưng thỉnh thoảng vẫn chạy sang xin phép: 'Cô ơi, cháu có thể ôm nhẹ em Emily một cái không ạ?'.
5. Trẻ được dạy kỹ càng về giới tính và cách bảo vệ mình khỏi bị xâm hại từ người ngoài
Một trong những bài học đầu tiên mà cha mẹ dạy cho trẻ là cơ thể của con là của con, con phải biết yêu thương cơ thể của con và con hãy khiến cho mọi người phải biết tôn trọng con. Khi con không cho phép thì không bất cứ ai được phép động chạm tới con. Chính vì vậy mà theo luật pháp thì ngay cả thầy cô giáo cũng hoàn toàn không được phép động chạm vào bất cứ đâu trên người học sinh. Nếu điều đó xảy ra, có thể sẽ phạm vào tội lạm dụng tình dục trẻ em. Về phía gia đình thì ngay cả cha mẹ cũng hoàn toàn không được phép đánh con. Nếu một người hàng xóm hoặc ai đó đang đi trên đường nhìn thấy đứa trẻ bị cha mẹ đánh, họ có quyền gọi cảnh sát đến ngay tức khắc.
6. Cha mẹ cũng dạy con từ rất sớm cách làm thế nào khi rơi vào tình huống bị kẻ xấu tấn công, lợi dụng
- Hãy cố hét thật to từ 'Help' (cứu giúp) để gây chú ý cho những người xung quanh đến ứng cứu.
- Cố gắng đánh trả lại bằng tất cả những gì có trên tay như cặp sách, ba lô...
- Nếu may mắn thoát khỏi thì lập tức nhanh chân chạy tới ngôi nhà gần đó nhất và vừa chạy vừa hét thật to để mọi người nghe thấy mình là đứa trẻ đang gặp nạn để họ lập tức gọi cảnh sát.
7. Không bao giờ được đi ra ngoài đường một mình
Luôn phải đi cùng với ít nhất một bạn, hoặc một anh chị em để nếu có trường hợp xấu xảy ra thì sẽ còn một người chạy về nhà loan báo, hoặc chạy đến ngôi nhà gần nhất nơi có người để loan báo. Hàng xóm nhà mình các bé phần đông tuy đã trên 10 tuổi và học ở trường khá gần nhà, khoảng 10 phút đi bộ nhưng bố mẹ vẫn cố gắng để tự đưa con đi học mỗi ngày. Trường hợp không thể đưa đón con đi học thì luôn sắp xếp cho các con cùng đi học với nhau, luôn bên cạnh nhau.
8. Những số điện thoại trẻ cần phải nhớ
- Số điện thoại nhà
- Điện thoại cảnh sát
- Điện thoại của bố hoặc mẹ, hoặc cả hai.
Cha mẹ giải thích cho con vì sao phải nhớ những số điện thoại ấy, trường hợp khi nào cần. Ví dụ 911 là số gì, của ai? Khi nào sẽ dùng số khẩn cấp ấy để gọi?
9. Cần nhớ địa chỉ nhà
Nhớ họ tên đầy đủ của chính mình và của bố mẹ để khi có sự cố xảy ra thì cần báo cho gia đình.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!