Trẻ dễ suy dinh dưỡng vì ngộ độc chì

Làm mẹ - 11/24/2024

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong nhà có người từng dùng thuốc dân gian cổ truyền, trẻ sẽ có mức độ nhiễm chì cao hơn.

Ngộ độc chì là một trong những bệnh do môi trường phổ biến nhất, chiếm 0,6% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Trẻ em bị ảnh hưởng do tiếp xúc với chì nhiều hơn người lớn. Chì ảnh hưởng hầu hết cơ quan nhưng hậu quả lâu dài chủ yếu trên hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Nồng độ chì (BLL) trong máu an toàn theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) là < 5 μg/dl. Tuy nhiên, nồng độ chì trong máu là 1-3 μg/dl là đã có thể liên quan với độc tính thần kinh.

Xăng pha chì là nguồn phơi nhiễm chì quan trọng. Sản phẩm này đã dần bị loại bỏ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, các nghiên cứu thực hiện sau khi loại bỏ xăng pha chì cho thấy nồng độ chì trong máu trung bình và tỷ lệ > 10 μg/dl còn rất cao. Điều này chứng tỏ ngoài xăng pha chì còn rất nhiều nguồn phơi nhiễm chì khác.

Theo các bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, nếu trong nhà có người từng dùng thuốc dân gian hoặc cổ truyền, sống gần giao lộ đông đúc thì trẻ thường có mức độ nhiễm chì cao hơn những trẻ khác. BS Huỳnh Hoàng Anh, BV Nhi Đồng 2 cho biết, kết quả trên được ghi nhận trong một tháng (tháng 4-5/2012) theo dõi 311 trẻ tại Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 2. Tuổi trung bình 12 tháng, nhóm tuổi dưới 5 tuổi 96,5%, trong đó nhóm tuổi dưới 12 tháng chiếm 51,1%.

Trẻ dễ suy dinh dưỡng vì ngộ độc chì

Ảnh minh họa: Internet

Những yếu tố nguy cơ khác làm trẻ nhiễm chì là do gia đình sử dụng bình acquy cũ để làm vật dụng trong nhà, cha mẹ hàn chì tại nơi làm việc và những trẻ sống trong môi trường sử dụng nước mưa (dụng cụ lấy và dự trữ nước mưa có chứa chì hoặc được hàn chì…) trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Qua kiểm tra nồng độ máu, 201 trẻ (64,6%) có BLL ≤ 5 μg/dl; 110 trẻ có BLL > 5 μg/dl (35,4%) bao gồm: 22 trẻ có BLL ≥ 10 μg/dl (7,1%) và 9 trẻ có BLL > 20 μg/dl, 3 trẻ BLL > 35 μg/dl.

Những trẻ ngộ độc chì mạn tính thường có nguy cơ suy dinh dưỡng, còi cọc do biếng ăn, xanh xao, đi cầu ra phân đen, sau đó là táo bón.

Khi trẻ bị ngộ độc chì, việc thải bỏ chì qua nước tiểu rất chậm. Vì vậy, trẻ cần được đặc trị như rửa dạ dày, truyền dịch.

Để hạn chế việc trẻ nhiễm độc chì, người lớn cần cải thiện các điều kiện môi trường sống: Không nên dùng các vật dụng chứa đựng thực phẩm có màu sắc lòe loẹt, không dùng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, loại bỏ các vật dụng có nguy cơ chứa chì.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!