Trẻ đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm mẹ cần làm gì?

Kiến Thức Y Học - 05/18/2024

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường mắc chứng đổ mồ hôi nhiều khi ngủ vào ban đêm hay còn gọi là mồ hôi trộm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu của trẻ mà lâu dài có thể dẫn đến các chứng bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp, ốm đau, thiếu dinh dưỡng...

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường mắc chứng đổ mồ hôi nhiều khi ngủ vào ban đêm hay còn gọi là mồ hôi trộm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu của trẻ mà lâu dài có thể dẫn đến các chứng bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp, ốm đau, thiếu dinh dưỡng...

Trẻ đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm có gì đáng ngại?

Trẻ dễ bị cảm lạnh, mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp: Do tiết mồ hôi liên tục làm lỗ chân lông mở rộng nên trẻ dễ bị cảm lạnh hoặc viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản,...

Gây mất muối và nước trong cơ thể trẻ: Mồ hôi ra nhiều vào ban đêm khiến trẻ bị mất các chất điện giải, cơ thể trở lên mệt mỏi, chán ăn, háo khát, dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương. Thậm chí, trẻ có nguy cơ bị táo bón, rối loạn tiêu hóa, nhiệt nếu tình trạng tiết mồ hôi nhiều gây mất nước kéo dài.

Gây ra tình trạng thiếu canxi: Trong thành phần mồ hôi có canxi nên đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm làm trẻ thiếu canxi. Trẻ do vậy rơi vào tình trạng khó ngủ, hay quấy khóc, dễ ọc sữa, són phân, són nước tiểu, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống xương.

Trẻ đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm mẹ cần làm gì?

Phân biệt mồ hôi trộm và mồ hôi sinh lý

Đổ mồ hôi vào ban đêm có thể là mồ hôi trộm hoặc mồ hôi sinh lý, mẹ phải nắm được chính xác con ở tình trạng nào mới đưa ra được cách xử lý phù hợp:

Mồ hôi sinh lý: Thường ra nhiều ở vùng đầu và cổ trong khoảng 30-60 phút khi trẻ đi ngủ nhưng sau đó sẽ hết. Sở dĩ trẻ đổ mồ hôi là vì sự trao đổi chất diễn ra mạnh hơn người lớn, nên cơ thể cần tỏa nhiệt bằng cách này. Mồ hôi sinh lý còn giúp điều chỉnh, giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn ổn định. Do mồ hôi sinh lý không có ảnh hưởng đáng ngại đến sức khỏe nên mẹ không cần quá lo lắng.

Mồ hôi trộm: Nếu đầu trẻ ra nhiều mồ hôi, đặc biệt khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi tiết nhiều bất kể thời tiết, đó có thể là biểu hiện của các chứng bệnh còi xương, lao sơ nhiễm.

Cách giúp trẻ không đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm

Bổ sung vitamin D

Mẹ nên cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng, tăng dần từ 10 đến 30 phút trong khoảng thời gian trước 10 giờ để bổ sung vitamin D. Cần để da trẻ tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời.

Giữ cho trẻ luôn mát mẻ

Để trẻ chơi đùa, nghỉ ngơi trong bóng râm hoặc phòng ốc rộng rãi, thoáng mát. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày.

Bổ sung nước đầy đủ cho trẻ

Mẹ có thể bổ sung nước bằng cách cho trẻ bú hoặc uống nước thường xuyên. Lượng nước bổ sung phụ thuộc vào cân nặng lẫn nhu cầu của trẻ. Không cho trẻ đùa nghịch nhiều vào sát giờ đi ngủ, trạng thái hưng phấn, kích thích khi đùa nghịch sẽ góp phần làm tăng nhiệt độ cơ thể và dẫn đến đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.

Trẻ đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm mẹ cần làm gì?

Dinh dưỡng hợp lý

Tăng các loại rau củ quả có tính mát như: rau ngót, rau má, bí đao, thanh long,... và hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, hải sản giàu chất đạm hoặc các loại trái cây như xoài, mít, sầu riêng. Thức ăn chứa nhiều năng lượng, dễ sinh nhiệt trong quá trình chuyển hóa sẽ làm trẻ ra nhiều mồ hôi, dẫn đến rôm sảy, ngứa ngáy.

Ngoài ra, trong trường hợp mẹ phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường khi trẻ đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ ngay để được kiểm tra lẫn điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!