Chuyên gia tâm lý Đặng Phương, Viện Tâm lý và giáo dục Pháp luật cho rằng, đổi mới giáo dục tiểu học theo hướng sử dụng công nghệ thông tin là cần thiết.
Ưu điểm là công nghệ không chỉ đảm bảo tính khoa học chính xác, hiệu quả mà còn kích thích tính năng động sáng tạo, khả năng tư duy của trẻ.
Tuy nhiên, việc số hóa toàn bộ sách giáo khoa vào máy tính bảng ở lứa tuổi lớp 1-3 cần cân nhắc trên nhiều phương diện, đặc biệt là thể chất và tâm lý.
'Các em đang trong giai đoạn phát triển tư duy trí tuệ. Do đó cần vừa học vừa chơi, không nên quá phụ thuộc vào thiết bị điện tử vì sẽ làm giảm khả năng sáng tạo, ảnh hưởng đến sức khỏe, thị lực và các cơ vận động', bà Phương bày tỏ.
Nghiên cứu cho thấy 6-8 tuổi là thời kỳ trẻ có nhiều chuyển biến rõ rệt trong sự phát triển tâm, sinh lý và thể chất.
Cơ bắp và xương cũng đang phát triển nên việc sử dụng sách điện tử quá nhiều có thể gây tổn hại cho sự sáng tạo, chú ý và phát triển cơ động lực của bé.
Vì vậy, bà Phương khuyến nghị nên cân nhắc sử dụng máy tính bảng chỉ mang tính tiếp cận ở một số nội dung học cụ thể, với thời lượng khoảng 30 phút/ngày.
Học sinh dễ lạm dụng máy tính khi sử dụng sách giáo khoa điện tử
Đồng tình ý kiến này, thạc sĩ Hồ Thị Thương, Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC (Hà Nội), máy tính bảng là kho tàng kiến thức, giúp trẻ tìm hiểu mọi thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Tuy nhiên, khi bị cuốn hút vào các trò giải trí đầy thú vị trong máy tính bảng, trẻ không còn hứng thú với trò chơi vận động, không còn thời gian cho việc chơi cùng các bạn cũng như hít thở bầu không khí trong lành. Điều này ảnh hường đến sự phát triển thể chất của trẻ.
Đắm chìm vào thiết bị công nghệ sẽ khiến trẻ thiếu đi những kỹ năng xã hội sơ đẳng. Chúng không quan tâm đến việc thiết lập các mối quan hệ ngoài đời thực, tình cảm của trẻ đối với bố mẹ, người xung quanh vì thế mà mờ nhạt đi.
Nó cũng làm nghèo đi khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ bởi trong thiết bị công nghệ này luôn tràn ngập mọi thứ bao gồm chủ thể, phong cảnh, âm thanh… khiến trẻ không phải tưởng tượng thêm bất kỳ điều gì. Khi đó, não của chúng sẽ hoạt động ít hơn, do đó sự tưởng tượng của trẻ sẽ giảm xuống…
Vì những lý do trên, người ta vẫn khuyến cáo trẻ càng nhỏ tuổi thì càng không nên dùng máy tính bảng. Với trẻ tiểu học, nếu muốn cho bé dùng máy tính bảng vào mục đích học tập, cần phải giám sát chặt chẽ.
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Hà Nội) cho rằng, trẻ em phát triển trí tuệ qua các hoạt động tay, chân, vận động.
Trẻ phải học bằng trực quan, cụ thể. Với trẻ em, không gì bằng các thứ thật, sờ được tận tay, nhìn được bằng mắt, kể cả từ đồ chơi tới sách giáo khoa, hoạt động viết, vẽ… Với trẻ tiểu học, viết rèn khả năng tập trung, sự khéo tay.
Theo thạc sĩ Chuẩn, việc cho trẻ sử dụng máy tính bảng để thay thế sách vở hầu như không mang lại lợi ích gì cho sự phát triển của các em.
Khi dùng máy, thay vì giở từng trang sách để rèn sự tập trung chú ý, trẻ chỉ cần làm động tác gạt tay. Mục đích giáo dục các kỹ năng, rèn tính cách… sẽ bị gạt sang một bên.
Cũng theo ông, lý luận dùng máy tính để trẻ khỏi mang cặp nặng không thuyết phục. Như vậy chẳng khác nào việc chúng ta tự nhét đầy vào túi mình, tự tạo áp lực lớn để rồi lại loay hoay tìm cách giảm tải nó bằng những việc không tưởng.
Có nhiều cách khác có thể giảm số cân nặng cho cặp của trẻ: Thay vì một ngày phải học thật nhiều môn thì cho trẻ học ngày 2-3 môn, không cần mang thêm quần áo để ăn ngủ ở trường…
Thay vì nghĩ đến chuyện giảm nhẹ chiếc cặp sách, phải nghĩ đến việc giảm tải về kiến thức, về áp lực thành tích lên trẻ. Việc dùng máy tính bảng để trẻ khỏi mang nhiều sách vở là thay cái xấu bằng một cái tệ hơn.
Không những thế, hiện nay nhiều gia đình loay hoay trong việc 'cai nghiện' máy tính bảng, điện thoại thông minh... cho con còn chưa xong.
Việc nhà trường cho trẻ dùng máy tính bảng để học khiến phụ huynh càng khó quản lý con hơn. Trẻ thường thích làm theo ý mình, chưa có tính tự giác.
Bình thường, cha mẹ muốn khuyến khích con vận động, tư duy đã khó khăn. Khi có chiếc máy tính bảng với bao trò chơi hấp dẫn mời gọi, việc này càng trở nên thách thức hơn.
Xét góc độ khác, bác sĩ Trần Văn Tiến (công tác tại một phòng khám mắt ở Gò Vấp, TP HCM) lo lắng đến các bệnh về mắt của thế hệ trẻ.
Hiện nay tỷ lệ cận thị, loạn thị của các em học sinh khá cao, có rất nhiều lớp, số trẻ em bị các bệnh về mắt đến gần 70%.
Theo ông, một trong những nguyên nhân gây ra các tật về mắt là do trẻ sử dụng máy tính, tivi, điện thoại quá nhiều.
'Học sinh mỗi ngày thêm 5 tiếng sử dụng máy tính bảng thì tỷ lệ cận thị sẽ tăng lên bao nhiêu? Như vậy, sẽ có một thế hệ trẻ Việt lớn lên cùng với cặp mắt kính dày cộp', ông lo ngại.
Hơn nữa, hiện nay các lớp học đa phần không đủ ánh sáng. Nếu trẻ vừa phải đọc chữ trên máy tính bảng, vừa phải viết chữ trên vở sẽ làm cho mắt các em phải điều tiết liên tục giữa 2 môi trường sáng và thiếu sáng. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra những tác hại cho mắt.
Bố mẹ sẽ khó quản lý việc học tập của trẻ nếu dùng máy tính bảng
Cùng quan tâm đến đề án này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Nhân, cố vấn chương trình giáo dục và phát triển giải pháp NAHI Kids - Chơi mà học cho trẻ - cho rằng, hiện nay đa số học sinh học cả ngày.
Nếu cho các em dùng máy tính bảng thay thế sách giáo khoa trong 7-8 giờ ở trường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là về mắt, đau đầu, tổn thương vai, gáy, cổ tay...
Ngoài ra, có thể xảy ra các tình trạng: Cha mẹ không kiểm soát được con chơi gì trên máy, trẻ truy cập vào web xấu, game bạo lực, trẻ nghiện máy tính, bỏ bê học hành hay nhắn tin, gọi điện tùy tiện.
'Nếu sử dụng máy thay hoàn toàn sách giáo khoa thì cần cân nhắc thật kỹ bằng những nghiên cứu xã hội quy mô lớn', bà nói.
Mặt khác, việc đưa máy tính bảng vào trường học không phù hợp với kinh tế của nhiều gia đình bởi không phải nhà nào cũng có Internet để trẻ học ở nhà.
Trẻ có thể copy bài làm từ mạng mà không phải suy nghĩ nên dẫn đến lười tư duy. Khi giao hẳn máy đắt tiền cho trẻ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như đánh mất, bị kẻ xấu lợi dụng.
'Nếu lỡ hôm nay trẻ làm hư máy thì ngày mai đến trường sẽ học bằng cái gì vì không phải nhà nào cũng có điều kiện mua máy dự phòng', nhà giáo lưu ý.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Khanh, chuyên viên về công nghệ thông tin của một công ty Thụy sĩ ở quận 1, TP.HCM, cho rằng những người làm dự án Sách giáo khoa điện tử cam kết về việc học sinh không thể đưa các game điện tử vào máy tính bảng là không có cơ sở.
Hiện nay chưa có nhà sản xuất hệ điều hành nào dám cả quyết sản phẩm của họ 100% không bị tấn công.
Ông Khanh cho rằng cam kết trên chỉ có thể thực hiện khi các phần mềm cần thiết được ghi vào một con chip có chức năng chống ghi của nhà sản xuất.
'Nhưng nếu làm như thế thì sách giáo khoa điện tử sẽ không còn tính mở, mỗi khi cần cập nhật như thay đổi nội dung sách giáo khoa chẳng hạn, mấy trăm nghìn chiếc máy tính bảng sẽ phải gửi về lại nơi sản xuất để thay chip, ảnh hưởng việc học tập của trẻ và tốn thêm chi phí', ông băn khoăn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!