Trẻ khò khè kéo dài, coi chừng viêm phổi hít

Nuôi dạy con - 04/28/2024

Bệnh khiến trẻ ho và khò khè, uống thuốc mãi không khỏi, đến khi nguy kịch và nhập viện, phụ huynh mới biết con mình viêm phổi không phải do nhiễm trùng mà vì hít phải dị vật đường tiêu hóa.

Tại BV. Nhi Đồng 2 (TP.HCM), trung bình mỗi ngày có hơn 10 trường hợp viêm phổi nặng nằm cấp cứu, trong số đó, không ít trẻ được xác định nguyên nhân dẫn đến viêm phổi là do hít phải dị vật. Trước đó hầu hết các bé đều bị điều trị sai do chẩn đoán nhầm.

BS.CKII. Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô Hấp 2 cho biết, viêm phổi có nhiều nguyên nhân, trong đó hai nguyên nhân chính là nhiễm trùng và hít phải dị vật. Thông thường, khi trẻ bị viêm phổi, phụ huynh (thậm chí bác sĩ) hay nghĩ đến do nhiễm trùng, do siêu vi rồi cho uống thuốc mà quên đi khả năng bé bị hít sặc chất lạ. “Lúc này việc điều trị bằng kháng sinh không giúp khỏi bệnh mà bác sĩ phải tìm nguyên nhân”, BS. Hương nói.

Để điều trị viêm phổi do hít sữa, đầu tiên các bác sĩ cần xác nguyên nhân gây hít sữa là do trào ngược dạ dày do teo thực quản, do dị ứng sữa, hay do các dị tật bẩm sinh ở thực quản. Nếu trẻ thi thoảng nôn trớ thì không cần điều trị, nhưng nếu tái đi tái lại do trào ngược thì phải điều trị bằng thuốc trị đường tiêu hóa. Riêng bệnh nhi bị dị ứng sữa, bác sĩ sẽ tư vấn thay đổi loại sữa có thành phần không khiến trẻ bị dị ứng.

Ở trường hợp bị dị tật thực quản, khi thai nhi đang phát triển trong tử cung của mẹ, ban đầu khí quản và thực quản phát triển là một ống duy nhất. Vào khoảng 4 - 8 tuần sau khi thụ thai, một vách ngăn hình thành giữa thực quản và khí quản ngăn tách chúng thành hai ống riêng biệt. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, bức vách này không được tạo đúng cách, hoặc trên ống thực quản có đường dò, đây là nguyên nhân khiến sữa bị chui vào phổi gây viêm phổi.

Trẻ khò khè kéo dài, coi chừng viêm phổi hít

Một trẻ bị viêm phổi hít đang điều trị tại BV. Nhi Đồng 2

“Thông thường, trào ngược dạ dày và các dị tật bẩm sinh như teo thực quản, có đường dò thực quản sẽ khiến sữa ở đường tiêu hóa lọt vào phổi gây viêm phổi. Tổn thương phổi do hít phải được định nghĩa là tổn thương phổi cấp sau khi hít phải các thành phần dịch dạ dày. Sữa là chất thường xuyên được phát hiện là nguyên nhân gây viêm phổi hít”, BS. Hương nói.

Triệu chứng điển hình ở những bệnh nhi viêm phổi hít là bệnh nhân thở khò khè, ho, tím tái, thở nhanh, tụt huyết áp, phù phổi. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chỉ có ho và khò khè, một số bệnh nhân hầu như không triệu chứng chỉ có mất bão hòa oxy máu động mạch và chỉ thấy được trên phim X-quang.

Đối với những bé bị viêm phổi hít do dị tật bẩm sinh (có những đường rò, theo thực quản bẩm sinh), các bé cần phải điều trị ngoại khoa. Việc phẫu thuật thường được thực hiện tại những bệnh viện có đủ trang thiết bị và bác sĩ có kinh nghiệm trong việc điều trị cho trẻ sơ sinh bệnh nặng. Với trẻ sinh non tháng kèm các dị tật bẩm sinh khác hoặc có biến chứng viêm phổi hít, việc phẫu thuật phải được tính toán rất kỹ.

Về dấu hiệu nhận biết viêm phổi, một trẻ được coi là viêm phổi khi có ho và thở nhanh. Phụ huynh có thể dễ dàng đánh giá nhịp thở của trẻ bằng cách vén áo để quan sát nhịp di động của lồng ngực hoặc bụng. Người lớn cần phải quan sát lúc trẻ nằm yên hoặc ngủ, nếu có đồng hồ với kim giây, có thể để đồng hồ gần bụng hoặc ngực của trẻ và đếm nhịp thở trong vòng 1 phút. Một trẻ có tình trạng thở nhanh nếu ta đếm được hơn 40 lần/phút trở lên đối với trẻ 1 - 5 tuổi; hơn 50 lần/phút trở lên đối với trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi và hơn 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Ngoài ra, nếu trẻ thở phát ra tiếng kêu bất thường như khò khè, rên rỉ, có thể trẻ đã bị viêm phổi, thậm chí là viêm phổi nặng. Co rút lồng ngực cũng là một biểu hiện của viêm phổi. Để phát hiện triệu chứng này, cần vén áo trẻ lên nhìn vào phần ranh giới giữa ngực và bụng, xem có hiện tượng ngực lõm sâu khi trẻ hít vào hay không.

Nên bế trẻ nằm ngang trên đùi mẹ hoặc đặt nằm ngang trên giường để quan sát dễ dàng và chính xác. Dấu hiệu này phải thấy thường xuyên ở bất kỳ nhịp thở nào, khi trẻ nằm yên hoặc ngủ, mới có giá trị; còn nếu chỉ thấy lúc trẻ quấy khóc, hoặc khi cố gắng hít sâu sau một hơi bú dài, thì không được coi là co rút lồng ngực. Những trường hợp trẻ có co rút lồng ngực là đã bị viêm phổi nặng, cần được đưa đến bệnh viện ngay.

Do viêm phổi có thể không phải do nhiễm trùng mà do hít phải dị vật như đã nêu ở trên, chính vì thế các bác sĩ ở tuyến tỉnh, nếu thấy trẻ bị khò khè, ho kéo dài, điều trị kháng sinh vẫn tái đi tái lại không khỏi hẳn thì nên nghĩ đến bệnh lý trào ngược dạ dày, dị ứng sữa hoặc các dị tật bẩm sinh. Việc điều trị hô hấp và tiêu hóa, thậm chí can thiệp ngoại khoa, khi ấy mới có thể giúp trẻ khỏi bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!