Trị dứt điểm sẹo lồi

Bài thuốc dân gian - 04/30/2024

Để tránh sẹo lồi, nên chăm sóc tốt vết thương ngay từ đầu, giữ ẩm và che phủ vết thương để giúp ngăn cản vi khuẩn.

Sẹo lồi là một tổn thương lành tính trên da, thường là thứ phát sau vết thương phẫu thuật, vết thương do chấn thương, bỏng, mụn, vết trầy xước... ở người cơ địa có khuynh hướng tạo sẹo lồi.

Các vết thương, vết rách, nhiễm trùng da nếu không được chăm sóc đúng cách có thể để lại vết sẹo lồi với kích thước khác nhau, màu sẹo thâm, sạm hơn so với màu da. 

Bản chất sẹo lồi là do sự tăng sinh quá mức, kể cả về số lượng lẫn trật tự của các mô sợi trong lớp hạ bì. Sẹo lồi thường không gây cảm giác khó chịu ngoại trừ vấn đề thẩm mỹ. Tuy nhiên, một số sẹo lồi có thể gây ngứa, hơi đau hoặc cảm giác căng cứng.

Trị dứt điểm sẹo lồi

Ảnh minh họa

Có nhiều cách điều trị sẹo lồi bằng nội khoa, ngoại khoa, xạ trị và vật lý. Tham khảo một số phương pháp điều trị: 

- Phương pháp tiêm corticosteroid tại chỗ: Được thực hiện trong khoảng 4-6 tuần, trong nhiều tháng hay cho tới khi sẹo lồi bằng phẳng. Đây được xem là phương pháp tiêu chuẩn để điều trị. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là: teo da, mất sắc tố, giãn mạch. 

- Phương pháp áp lạnh: Dùng nhiệt độ lạnh phá hủy trực tiếp tế bào vi mạch. Tại sẹo lồi sẽ có sự tạo thành huyết khối, thiếu oxy, dẫn tới hoại tử và thải bỏ mô. Nhờ đó, chỗ có sẹo lồi trở nên bằng phẳng. Phương pháp này đạt hiệu quả 51-74%. 

- Phương pháp phẫu thuật:Được chỉ định khi sẹo lồi không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc sang thương quá lớn. Các bác sĩ sẽ cắt bỏ sẹo và khâu kín, ghép da với mảnh da ghép toàn phần hay ghép da mỏng để giảm lực căng trên toàn bộ da được khâu. Tỷ lệ tái phát 50-80% . 

- Phương pháp tia xạ: Thường áp dụng sau phẫu thuật cắt sẹo lồi ngăn cản sự tái phát trong vòng 1-3 năm. Tỷ lệ thành công 88%. Những tác dụng phụ là tăng sắc tố, có khả năng gây ung thư. 

- Phương pháp phẫu thuật bằng laser: Phương pháp này không ngăn được sẹo lồi tiến triển và sự tái phát.

- Phương pháp băng ép:Được sử dụng trong việc đề phòng và điều trị sẹo lồi sau bỏng. 

Tuy nhiên, chưa phương pháp nào đạt hiệu quả tuyệt đối, ngăn chặn được tác dụng phụ và nguy cơ tái phát. Tùy vào vị trí, kích thước, mức độ sẹo lồi mà bác sĩ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp.

Một điều cần lưu ý là điều trị chữa sẹo lồi cần phải hết sức kiên trì mới mong đạt được kết quả. Vì vậy, cần sự hợp tác tốt và tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ trong khi điều trị.

Để tránh sẹo lồi, các bạn nên chăm sóc tốt vết thương ngay từ đầu, giữ vết thương luôn sạch sẽ, giữ ẩm và che phủ vết thương để giúp ngăn cản vi khuẩn, bụi bẩn, vết thương phục hồi nhanh hơn. Khi vết thương đóng vẩy, không nên tự ý bóc mà để vẩy tự bong. 

Chế độ dinh dưỡng tốt: cung cấp đầy đủ chất đạm, sắt, axit folic, vitamin B12 giúp tạo tế bào mới và làm vết thương mau lành, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tránh những thực phẩm có thể gây dị ứng.

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại thuốc được quảng cáo là chữa sẹo lồi. Mỗi loại thuốc có chứa nhiều thành phần khác nhau, các thành phần này đều có thể gây mẫn cảm, dễ gây phản ứng dị ứng tại chỗ bôi làm chậm liền sẹo.

Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao, tránh các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, sau khi đã khám và đánh giá trực tiếp thực trạng vết thương.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!