Tôi bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP và phải uống 4 loại thuốc, trong đó có 2 loại kháng sinh. Xin quý báo cho biết vì sao tôi phải uống nhiều thuốc như vậy, tôi xin cảm ơn!
Nguyễn Chi Mai (Hà Nội)
Bệnh dạ dày xuất hiện từ rất lâu, nhưng trước đây nó được coi là căn bệnh khó chữa. Việc tìm ra vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) là nguyên nhân chính gây nên các bệnh như viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày... đã giúp các bác sĩ có hướng đi đúng trong việc điều trị dứt điểm các chứng bệnh khó trị này.
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học mới nhận ra một điều, việc tiêu diệt loại vi khuẩn này bằng kháng sinh đơn thuần là không mang đến kết quả mong đợi, chưa kể đến theo thời gian, việc tự vi khuẩn HP đã thích nghi và tỏ ra kháng kháng sinh cũng là một mối đau đầu với các nhà nghiên cứu. Việc điều trị HP phải có sự kết hợp giữa các nhóm thuốc với nhau và phải theo những nấc thang điều trị tăng dần để tránh việc kháng thuốc của HP.
Kháng sinh: Hiện nay các kháng sinh hàng đầu và tỏ ra hữu hiệu nhất đó là các thuốc amoxicillin, clarithromycin, metronidazole.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Là thuốc phối hợp hàng đầu trong điều trị HP, ngoài ra còn có tác dụng làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh nhân do vết loét gây nên, đồng thời cũng làm nhanh thời gian liền ổ loét. Các thuốc này bao gồm omeprazole, lansoprazol, esomeprazole, pantoprazole... Tùy vào tình trạng của từng người bệnh mà sẽ có sự thay đổi liều dùng khác nhau. Một đặc điểm cần lưu ý đối với nhóm thuốc này đó là uống cách xa bữa ăn.
Muối bismuth: Bismuth là kim loại nặng, trước đây người ta đã dùng muối của bismuth để điều trị bệnh loét dạ dày tá tràng có hiệu quả, nhưng do tác dụng phụ không mong muốn nên đã tạm dừng. Ngày nay, với tác dụng diệt HP của bismuth, người ta dùng bismuth dưới dạng các chất hữu cơ, các thuốc đó là: colloidal bismuth (CBS) hoặc tripotasium dicitrato bismuth (TDB). Thuốc chỉ dùng liều thấp (ít gây tác dụng phụ).
Việc dùng thuốc điều trị bệnh nhằm mục đích vừa chữa khỏi bệnh vừa phải làm sao tiêu diệt triệt để tận gốc không tái lại đối với loại vi khuẩn HP. Việc sử dụng các phác đồ điều trị kết hợp giữa các nhóm thuốc với nhau là một hướng đi đúng nhưng cần đòi hỏi sự hiểu biết, linh hoạt của bác sĩ đối với từng bệnh nhân, với từng giai đoạn khác nhau để tránh việc kháng thuốc của vi khuẩn HP.
Còn đối với người bệnh, việc giữ vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống, vui chơi hàng ngày cũng sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc loại vi khuẩn này. Khi đã có những vấn đề về tiêu hóa hãy đi khám ngay ở những cơ sở y tế đáng tin cậy, tránh việc sử dụng thuốc bừa bãi, thiếu hiểu biết có thể gây nên tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn HP về sau.
Việc điều trị tận gốc tiêu diệt HP cũng đòi hỏi sự kiên trì, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, tránh trường hợp sau vài hôm thấy đỡ rồi tự ý bỏ thuốc. Như vậy bệnh không đỡ mà còn có nguy cơ tái phát cao, nguy cơ gây loét dạ dày dẫn tới ung thư dạ dày là khó tránh khỏi...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!