Ảnh minh họa.
Stress gây viêm dạ dày
Theo PGS Nguyễn Duy Thắng – Viện nghiên cứu đào tạo tiêu hóa, Gan mật, Việt Nam cho biết ông từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm dạ dày cấp. Thậm chí, có bệnh nhân chỉ sau một đêm cãi nhau với chồng đã phải vào viện vì dạ dày sung huyết, đỏ rực.
Trường hợp của chị Đỗ Mai Anh – 27 tuổi, trú tại Hà Nội vào viện vì đau bụng ở vùng thượng vị, cảm giác nóng rát ở cổ họng rất khó chịu. Chị Mai Anh kể đêm hôm trước hai vợ chồng chị bàn nhau việc chuyển trường học cho con.
Chị Mai Anh muốn con học trường mới nhưng chồng chị phản đối vì muốn con đi học gần nhà tốt hơn.
Từ việc học của con, hai vợ chồng thành ra cãi nhau lớn. Chồng chị Mai Anh còn nổi cáu và trót văng tục với vợ.
Cả đêm, chị Mai Anh không ngủ được và nghĩ về hành động chồng nổi đóa lên chỉ vì chuyện học của con. Sáng hôm sau, chị Mai Anh thấy bụng đau khó chịu đặc biệt ở vùng thượng vị. Chị cố chịu đựng đi làm nhưng đến chiều vẫn đau. 4h chiều, chị nhờ đồng nghiệp chở vào phòng khám nội soi dạ dày. Bác sĩ cho biết chị bị viêm dạ dày cấp tính và phải theo dõi điều trị. Toàn bộ niêm mạc dạ dày sung huyết.
Không riêng chị Mai Anh, trường hợp của chị Bùi Thu Huyền – 1 bác sĩ trẻ ở Hà Nội cũng bị viêm dạ dày cấp chỉ sau 1 đêm chị Huyền suy nghĩ có nên đi nước ngoài học hay không.
Chị Huyền muốn đi nước ngoài học thạc sĩ nhưng chồng chị không đồng ý và hai vợ chồng có lời qua tiếng lại. Chị Huyền đi làm nhưng bụng đau, buồn nôn nên đi kiểm tra. Nội soi tiêu hóa chẩn đoán viên dạ dày. Bác sĩ đã sinh thiết vùng tổn thương để khảo sát tổn thương mô học và đã xác định sự hiện diện của H. pylori trên tiêu bản sinh thiết.
Trước đó, chị Huyền chưa bao giờ bị viêm loét dạ dày.
Viêm dạ dày cấp nguy hiểm không?
ThS.BS. Nguyễn Hải Phương – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết bệnh viêm dạ dày cấp tính là bệnh lý có tỷ lệ mắc cao. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ở Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 1,8-2,1 triệu người đi khám bệnh vì viêm dạ dày, trong đó có khoảng 0,6 triệu người phải nhập viện. Thường gặp nhất ở người tuổi trên 60.
Viêm dạ dày là tên gọi chung cho một nhóm các bệnh lý cùng có tình trạng viêm của lớp niêm mạc dạ dày. Trong viêm dạ dày có thể có hay không có tình trạng nhiễm vi khuẩn H. pylori, loại vi khuẩn gây ra phần lớn các trường hợp loét của dạ dày. Sử dụng một số loại thuốc giảm đau và uống rượu nhiều là các nguyên nhân thường gặp nhất của viêm dạ dày.
Viêm dạ dày có thể xảy ra đột ngột hay còn gọi viêm dạ dày cấp hay tiến triển chậm. Trong một số trường hợp, viêm dạ dày cấp có thể đưa đến loét dạ dày và viêm dạ dày mạn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Bác sĩ Phương cho biết, viêm dạ dày cấp điển hình với sung huyết và phù lan rộng của lớp niêm mạc, không có các ổ loét trợt. Nguyên nhân thường do H. pylori. Tổn thương viêm có thể chỉ khu trú ở một vùng (thí dụ, viêm hang vị) hoặc lan tỏa khắp dạ dày (viêm dạ dày toàn bộ). Nguyên nhân do: rượu, một số loại thuốc, sau các nhiễm khuẩn…
Một số trường hợp bị viêm dạ dày cấp tại một số vùng của niêm mạc dạ dày với các ổ loét trợt (thí dụ, các loét trợt nông của biểu mô dạ dày phía trên lớp cơ-niêm, các loét trợt chảy máu). Gọi chính xác hơn, đó là “bệnh dạ dày loét trợt cấp tính”. Nguyên nhân do: rượu, một số loại thuốc, urê-huyết cao, trào ngược mật, tăng áp lực cửa, xạ trị, hóa trị…
Ở người bình thường, niêm mạc dạ dày có các chất nhầy, vốn bảo vệ cho thành dạ dày, khi bị hư hao sẽ để cho các dịch tiêu hóa làm tổn hại và gây viêm lớp niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, một số trường hợp có bệnh lý khác gây viêm loét dạ dày cấp như bệnh Crohn (là bệnh lý viêm của ruột), bệnh sarcoid (là một bệnh mạn tính không rõ nguyên nhân, có các hạch bạch huyết to ở nhiều nơi…), hoặc khi có các tế bào viêm phát triển ở những nơi khác.
Biến chứng của viêm dạ dày cấp có thể dẫn đến loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Đôi khi viêm dạ dày mạn có thể trở thành ung thư dạ dày, nhất là khi niêm mạc dạ dày bị bào mòn từng mảng rộng và có những biến đổi của các lớp tế bào.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!