Vắcxin phòng SXH đầu tiên được phê duyệt
Theo trang tin Fda.gov, ngày 1/5/2019 FDA đã chính thức phê duyệt vắcxin để phòng ngừa bệnh sốt Dengue gây nên bởi tất cả các loại huyết thanh virus sốt xuất huyết (1, 2, 3 và 4) ở nhóm người từ 9 đến 16 tuổi đã được xác nhận trong phòng thí nghiệm nhiễm SXH và những người sống ở vùng có dịch.
Theo FDA, virus gây sốt Dengue rất phổ biến tại các khu vực lãnh thổ thuộc Mỹ như Samoa thuộc Mỹ, đảo Guam, Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ.
Theo Anna Abram, phó ủy viên chính sách, luật pháp và các vấn đề quốc tế của FDA, SXH Dengue là bệnh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu đang có xu hướng gia tăng trong vài thập kỷ trở lại đây. FDA cam kết hợp tác tích cực với các cơ quan khác như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cũng như các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), để chung tay chống lại các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng do SXH gây ra. Hiện tại, SXH Dengue chưa có vắcxin hay thuốc đặc trị nên việc phê duyệt Dengvaxia được xem là cần thiết và là một bước tiến mới.
CDC ước tính, hơn một phần ba dân số thế giới đang sống ở những vùng có nguy cơ bị nhiễm virus sốt Dengue cao, nhất là ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Nhiễm virus SXH lần đầu thường không có triệu chứng hoặc nhẹ nên dễ bị nhầm với cúm hoặc nhiễm các loại virus khác. Nhiễm trùng tiếp theo có thể dẫn đến SXH nặng hơn, chuyên môn gọi là như sốt xuất huyết thứ cấp (DHF), một dạng trầm trọng có thể gây tử vong.
Các triệu chứng bao gồm đau dạ dày, nôn mửa kéo dài, chảy máu, lú lẫn và khó thở.Khoảng 95% của tất cả các trường hợp nghiêm trọng nhập viện đều thuộc nhóm nhiễm virus DHF. Do chưa có thuốc đặc trị nên việc chăm sóc chỉ mới chỉ dừng ở ngưỡng kiểm soát các triệu chứng.
Cũng theo CDC, mỗi năm, có khoảng 400 triệu ca nhiễm virus sốt Dengue xảy ra trên quy mô toàn cầu. Trong số này, khoảng 500.000 trường hợp phát triển thành DHF, gây ra khoảng 20.000 ca tử vong, chủ yếu ở trẻ em.
Ngoài các ca SXH được phát hiện thấy tại các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ thì khu vực Mỹ La-tinh, Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương cũng là nơi được xem là “rốn dịch”.
Theo Bách khoa thư mở, tại Việt Nam, năm 2016 số ca mắc SXH tăng gấp 3 lần, nhất là các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk, Đắc Nông, tình hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, số người mắc không ngừng tăng, hiện đã chiếm gần 75% số ca mắc cả nước. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nguyên nhân SXH tăng mạnh ở Tây Nguyên là do khu vực này không phải vùng lưu hành SXH phổ biến trong những năm qua nên khả năng miễn dịch cộng đồng thấp, trong khi đó, dịch lại dễ bùng phát nhanh.
Theo ông Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Thẩm định và Nghiên cứu Sinh học thuộc FDA, nhiễm một loại virus SXH Dengue thường cung cấp khả năng miễn dịch kháng lại kiểu huyết thanh cụ thể đó, nhưng đợt nhiễm sau bởi bất kỳ một trong ba loại huyết thanh khác của virus sẽ làm cho SXH trở nên nặng hơn buộc người ta phải nhập viện hoặc thậm chí có thể tử vong.
Vì nhiễm trùng lần thứ hai nặng hơn nhiều so với lần đầu, nên FDA đã quyết định phê duyệt vắcxin để giúp bảo vệ những người từng bị nhiễm virus Dengue tránh được hậu quả xấu do căn bệnh này gây ra.
Những lưu ý khi dùng
Vắcxin ngừa SXH là sản phẩm của hãng dược phẩm Pháp bào chế chứa các virus sốt vàng (suy yếu) đã bị thao túng để chúng chứa các protein từ virus SXH. Vắcxin được tiêm ba mũi tiêm riêng biệt, với liều ban đầu sau đó là hai mũi tiêm bổ sung trong 6 và 12 tháng tiếp theo. Sự an toàn và hiệu quả của vắcxin đã được xác định trong ba nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược ở 35.000 người hiện đang có dịch gồm Puerto Rico, Mỹ Latinh và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Muỗi vằn Aedes aegypti, thủ phạm chính lan truyền SXH Dengue
Vắcxin ngừa SXH được xác định có hiệu quả khoảng 76% trong việc ngăn ngừa triệu chứng sốt Dengue ở nhóm người từ 9 đến 16 tuổi.
Trước đó, vắcxin này đã được phê duyệt dùng ở 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU).
Các tác dụng phụ thường gặp của là đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, đau tại chỗ tiêm và sốt nhẹ. Tần suất của các tác dụng phụ là tương tự trên người dùng vắcxin ngừa SXH và giả dược, và có xu hướng giảm sau mỗi liều chủng ngừa vắcxin tiếp theo.
Vắcxin ngừa SXH không được chấp thuận để sử dụng ở những người trước đây không bị nhiễm bất kỳ loại huyết thanh virus sốt xuất huyết Dengue nào hoặc không biết gì về thông tin này.Nói cách khác, chỉ tiêm cho những người đã từng được xác định mắc bệnh trước đó và ở vùng đang có dịch.Điều này có thể đạt được bằng cách thẩm định hồ sơ bệnh án nhiễm sốt xuất huyết Dengue hoặc thông qua xét nghiệm huyết thanh học (xét nghiệm máu của bệnh nhân) trước khi tiêm vắcxin.
Cùng với việc nghiên cứu các loại vắcxin để phòng ngừa sốt Dengue, cộng đồng khoa học thế giới còn chung tay nghiên cứu các phương pháp mới để ngăn chặn bệnh. Theo Sciencedaily, một trong những giải pháp này hiện đang được tiến hành là dùng muỗi biến đổi gien ngăn chặn SXH Dengue. Năm 2012, tại Brazil người ta đã thả quần thể muỗi biến đổi gien gần 4 triệu con vào môi trường để ngăn chặn dịch Dengue. Mục tiêu của dự án này là hạn chế sự sinh sôi của muỗi Aedes aegypti.
Khi được thả vào các ổ dịch sốt xuất huyết, các con muỗi đực biến đổi gien sẽ giao phối với muỗi Aedes aegypti cái, tạo ra những hậu duệ không mang virus gây bệnh sốt xuất huyết.
Anh hiện đang thực hiện thử nghiệm tương tự, dùng muỗi chuyển gien để giao phối với muỗi cái, kết quả hậu duệ của chúng sẽ mang lỗ hổng di truyền và bị chết.Cụ thể, ấu trùng muỗi Aedes Aegypti được biến đổi gien OX513A nhiễm khuẩn Wolbachia, khuẩn này làm thay đổi khả năng sinh sản của vật chủ. Bằng cách loại bỏ vật truyền bệnh hay véc tơ, SXH Dengue sẽ được chế ngự. Qua 5 cuộc thử nghiệm được tiến hánh từ năm 2011 đến 2014 tại Panama và Quần đảo Caymancho thấy cho thấy, số lượng muỗi Aedes Aegypti đã giảm tới 90%.
Làm gì để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm SXH Dengue?
Theo dự án World Mosquito Program của Đại học Monash (Australia) SXH Dengue là do nhiễm virus dengue cấp tính lan truyền bởi muỗi vằn Aedes aegypti gây ra. Bệnh có xu hướng phổ biến ở các nước châu Á và được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhập viện hoặc tử vong nếu nặng.Thực ra, muỗi Aedes aegypti không mang virus Dengue tự nhiên, mà chúng nhiễm virus Dengue khi đốt người đã mắc bệnh. Do vậy, virus Dengue không có khả năng lan truyền trực tiếp từ người sang người mà cần phải có sự hỗ trợ của vật trung gian, đó chính là muỗi vằn.
Diệt muỗi và nằm ngủ trong mùng màn là những cách tốt nhất để phòng ngừa SXH Dengue
Mọi người đều có thể mắc bệnh, nhưng tỉ lệ mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi thường cao hơn.Những người di chuyển đến vùng dịch hoặc sống trong khu vực thường xuyên có bệnh thường có rủi ro mắc bệnh cao hơn. SXH Dengue thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, và sau đó cần thời gian khá dài để hồi phục hoàn toàn.
Hiện tại, SXH Dengue chưa có thuốc đặc trị lẫn vắcxin phòng bệnh, trừ vắcxin vừa được FDA phê duyệt.
Vì vậy kiểm soát véc tơ truyền bệnh vẫn là biện pháp hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu nguy cơ, như loại bỏ những nơi sinh sản của muỗi hoặc phun hóa chất diệt muỗi. Thả cá vàng hay các loại cá ăn lăng quăng vào trong lu, giếng, chum vại... Đổ hết nước tù trong các vật chứa không cần thiết, tránh tạo ra những khu vực tối, kín để muỗi sinh sản, đặt bát nước muối ở các khe trong nhà, sử dụng nhang muỗi, ngủ mùng màn, bôi kem xua muỗi, sử dụng vợt điện, đèn bắt muỗi... Nếu nghi ngờ mắc bệnh hoặc có những triệu chứng của SXH, nên đến cơ sở y tế sớm để được tư vấn, khám và điều trị.
DS. TRANG NHUNG
(Theo FDA/Sciencedaily- 5/2019)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!