Rối loạn tiền đình là một căn bệnh phổ biến không chỉ ở người cao tuổi mà cả ở người trẻ tuổi, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh. Tuy nhiên triệu chứng lại dễ nhầm lẫn với bệnh khác.
Triệu chứng chính của rối loạn tiền đình
Tiền đình là một bộ phận nằm ở phía sau ốc tai hai bên, đóng vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh thăng bằng tư thế và các phối hợp khác của cơ thể như cử động mắt, đầu và thân mình. Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế. Biểu hiện rõ nhất của rối loạn tiền đình là các cơn chóng mặt, mất thăng bằng, cảm giác lảo đảo muốn ngã. Ngoài ra, người bệnh còn có thể cảm thấy nhức đầu, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, chân tay run rẩy... Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột trong một thời gian ngắn hoặc kéo dài lâu hơn và hay tái phát.
Ảnh minh họa
Khi bị rối loạn tiền đình, nếu nhẹ người bệnh có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn và có thể nôn nhiều gây mất nước, điện giải, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn, người mệt lả... Người bệnh còn có thể kèm theo tình trạng nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp, sợ ánh sáng... Nếu kéo dài có thể dẫn đến mắt nhìn mờ, chân tay thường tê bì, run rẩy, suy nhược cơ thể... ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, giảm chất lượng sống.
Có thể nhầm lẫn với bệnh khác
Ảnh minh họa
Chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, nhức đầu… là biểu hiện của rối loạn tiền đình nhưng cũng có thể là dấu hiệu của của nhiều bệnh khác, trong đó có một số bệnh nguy hiểm như tăng huyết áp, hạ huyết áp, thiếu máu não, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não... Do đó khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm cần thiết để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Nếu đã đi khám và được chẩn đoán đúng bệnh rối loạn tiền đình, cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ. Trong thời gian điều trị người bệnh cần nghỉ ngơi, nên chọn tư thế nằm cho thích hợp (nghiêng trái hay nghiêng bên phải hoặc nằm ngửa), tránh thay đổi tư thế đột ngột và tránh ánh sáng chói như ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn hoặc tránh tiếng động; ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, chè, cà phê, thuốc lá... tạo tinh thần thoải mái tránh các lo âu, căng thẳng...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!