Tròn 2 triệu người khắp hành tinh đã mắc COVID-19

Thời sự - 11/24/2024

Đúng 12h10 hôm nay 15/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới chạm mốc 2 triệu người nhiễm COVID-19. Đại dịch có mặt tại 210 quốc gia trên toàn cầu, lấy đi tính mạng của gần 127.000 người dân.

Đến 12h10 ngày 15/4 (theo giờ Việt Nam), theo trang Worldometers, số người mắc COVID-19 trên khắp thế giới đã 'đạt' con số 2.000.000 (và tiếp tục tăng thêm). Đại dịch có mặt tại 210 quốc gia trên toàn cầu, lấy đi sinh mạng của gần 127.000 người dân.

Ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch COVID-19 đầu tiên tại được cho là xuất hiện vào ngày 17/11/2019 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tính đến nay, căn bệnh đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến 2 triệu người nhiễm và cướp đi sinh mạng của gần 127.000 người. Dù đã có gần nửa triệu người khỏi bệnh xong vẫn còn 51.603 người (chiếm 4% tổng số ca nhiễm) trong tình trạng nguy kịch.

Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh, sau 5 tháng có ca nhiễm đầu tiên đã kiểm soát được dịch bệnh. Đến nay, mỗi ngày số ca nhiễm mới tại quốc gia này khoảng dưới 100 người, chủ yếu từ nước ngoài xâm nhập. Số ca tử vong đã hạn chế tối đa, như ngày hôm nay, tại thời điểm này ghi nhận thêm 46 ca nhiễm và 1 người tử vong sau 24 giờ qua.

Tròn 2 triệu người khắp hành tinh đã mắc COVID-19

Dịch bệnh đang cướp đi sinh mạng của hơn 26.000 người dân trên thế giới. Ảnh minh hoạ

Mỹ dường như đang tiệm cận tới gần giai đoạn đỉnh dịch khi chứng kiến ngày thứ 12 liên tiếp có số người thiệt mạng vì COVID-19 ở mức trên 1.000 người. Nước Mỹ hiện đang là quốc gia có số người nhiễm cao nhất thế giới, với 614.211 người và 26.064 người ra đi vì dịch bệnh.

Trong khi đó, tại châu Âu, Anh và Pháp đang nổi lên thay Italy là hai tâm dịch mới khi liên tiếp ghi nhận số ca bệnh và ca tử vong mới tăng mạnh trong mấy ngày gần đây. Về số lượng người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2, xếp sau Mỹ lần lượt là Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.

Trong bối cảnh đó, ngày 14/4, Tổng thống Trump đã chỉ đạo chính phủ Mỹ tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với lý do WHO đã thất bại khi thực hiện các nhiệm vụ cơ bản và phải chịu trách nhiệm. Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới 'quản lý kém và che giấu' cũng như 'thông tin sai lệch' về virus corona chủng mới và dịch COVID-19.

Ông Trump lập luận rằng lẽ ra đã có thể dập dịch ngay tại nguồn nhưng vì thông tin sai của WHO đã dẫn đến việc dịch bùng phát và lây lan rộng hơn trên toàn thế giới, theo hãng tin AFP.

'Nếu WHO làm đúng nhiệm vụ của mình, để các chuyên gia y tế đến Trung Quốc đánh giá khách quan tình hình thì dịch bệnh đã có thể được ngăn chặn tại nguồn với rất ít cái chết. Điều này sẽ cứu sống hàng ngàn người và tránh thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới' - Tổng thống Mỹ nói.

Trước thông báo của ông Trump, Hiệp hội Y khoa Mỹ cho biết hành động của ông Trump là vô cùng nguy hiểm. Tiến sĩ Patrice A. Harris nói: 'Tạm dừng viện trợ cho WHO là một bước nguy hiểm theo hướng sai lầm vì hành động này sẽ không giúp việc đẩy lùi dịch bệnh dễ dàng hơn'.

Tổ chức Y tế thế giới đã xác nhận dịch bệnh COVID-19 gây ra tử vong gấp 10 lần so với đại dịch cúm lợn H1N1 vào năm 2009. Đại dịch cúm lợn năm 2009 đã khiến 18.500 người tử vong. Tuy nhiên, con số thực sự có thể cao hơn, từ 151.700 đến 575.400 người.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng ở một số quốc gia, số ca bệnh tăng gấp đôi cứ sau 3 đến 4 ngày và dịch bệnh gia tăng rất nhanh nhưng 'giảm xuống chậm hơn rất nhiều'. 'Điều này có nghĩa là các biện pháp kiểm soát dịch phải được dỡ bỏ từ từ và một cách có kiểm soát', ông Tedros nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc WHO cũng cảnh báo rằng việc mở cửa lại nền kinh tế ở Mỹ và các quốc gia khác có thể gây ra hậu quả nguy hiểm.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang leo thang căng thẳng, nhiều nước trên thế giới đã có nhiều giải pháp quyết liệt cũng như các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội. Dù mong muốn dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi khi mùa hè tới nhưng các chuyên gia khẳng định, không có cơ sở nào cho việc đó. Thậm chí, họ còn dự báo sẽ có đợt bùng phát dịch vào tháng 6 năm nay.

Không có cách gì khác, mỗi quốc gia nhận thức đầy đủ về mối hiểm hoạ của dịch bệnh cùng các giải pháp quyết liệt, tổng thể với sự vào cuộc, hợp tác của người dân và cả thế giới cùng chung tay, mới hy vọng đẩy lùi được căn bệnh này.

Mất gần 4 tháng, thế giới mới chạm mốc 100.000 ca nhiễm virus corona chủng mới vào ngày 6/3. Nhưng đến ngày 3/4, chỉ trong 28 ngày từ 6/3, thế giới đã vượt mốc 1 triệu ca, cho thấy sự lây lan khủng khiếp của 'kẻ thù' vô hình này.

Mất 3 tháng 19 ngày để xác lập cột mốc 100.000 kể từ khi 'bệnh nhân số 1' được xác nhận ở Trung Quốc ngày 17/11/2019. Tuy nhiên, chỉ cần 12 ngày để vượt con số 200.000 và thậm chí chỉ 4 ngày để phá vỡ mức 300.000 ca nhiễm trên toàn cầu.

Các cột mốc 400.000, 500.000.... 1.000.000 ca nhiễm lần lượt bị phá vỡ trong thời gian ngắn hơn, cho thấy sự lây lan khủng khiếp của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch COVID-19.

Và cũng chỉ sau 1 tháng 9 ngày, con số người nhiễm đã chính thức xác lập ngưỡng 2.000.000 người. Nó cũng sẽ tiếp tục chưa dừng lại trong những ngày tới.

Giới y khoa thế giới đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết để chạy đua với thời gian tìm các phương thuốc điều trị và vaccine hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!