Trốn tránh cách ly y tế có thể bị xử lý hình sự

Thời sự - 04/20/2024

Người trốn né cách ly, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Theo luật sư Hoàng Văn Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ngày 1/2/2020, Thủ tướng đã ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra nên các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý.

Hiện nay, tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã có những biện pháp xử phạt cho trường hợp trốn tránh các biện pháp phòng dịch cụ thể như sau: Điều 10: Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Người từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19 sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Trốn tránh cách ly y tế có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Hoàng Văn Tùng trao đổi với phóng viên.

Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Theo đó, người làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người. Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế. Làm chết người.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Làm chết 02 người trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Hoàng Văn Tùng cho biết: 'Trong tình trạng dịch bệnh hiên nay, việc phòng chống dịch cũng như cách ly những người có nguy cơ nhiễm bệnh để đảm bảo an toàn cho người dân là điều hết sức cần thiết. Những hành vi chống đối tùy mức độ mà sẽ tiến hành các biện pháp xử phạt phù hợp.

Đối với mức xử phạt hành chính nêu trên ở trạng thái bình thường thì cơ bản đã phù hợp. Tuy nhiên, đối với những tình trạng khẩn cấp, dịch bệnh mang tính chất nguy hiểm, dễ lây nhiễm với phạm vi toàn cầu và đang gấp rút phòng tránh thì mức xử phạt này còn nhẹ so với mức độ và tính chất nguy hiểm của những hành vi tưởng trừng là bình thường.

Từ nhận thức thiếu hiểu biết dẫn đến những hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của con người và sự an toàn của cả một cộng đồng.

Các cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc các biện pháp xử lý, xử phạt thật phù hợp. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với lực lượng chức năng để phòng tránh dịch bệnh'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!