Truyền hình trực tuyến: Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống - Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?' vào 9h30, thứ Năm, ngày 11/5/2017.

Chương trình được phát trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.

Trĩ là căn bệnh 'khổ mà khó nói' bởi lẽ đây là bệnh lý của vùng hậu môn trực tràng khiến nhiều người có tâm lý e ngại. Tuy nhiên, điều đáng nói là căn bệnh này có tỉ lệ mắc khá cao ở nước ta, dao động từ 35 – 50%, và đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Thậm chí ngay từ xa xưa, dân gian đã có câu 'thập nhân cửu trĩ' (cứ 10 người thì tới 9 người mắc căn bệnh này), với các biểu hiện chính của bệnh là khó đi ngoài, chảy máu hậu môn, sa búi trĩ...

Bệnh trĩ xuất hiện phổ biến và gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt có nhiều ở người cao tuổi. Song đa số người cao tuổi chủ quan nghĩ đơn giản rằng bệnh trĩ chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà không lường được những biến chứng nguy hiểm của nó.

Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?

Theo các bác sĩ, bệnh trĩ tuy không gây tử vong nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và trở thành nỗi ám ảnh của người bệnh. Bệnh trĩ nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng khó lường. Việc điều trị bệnh trĩ bằng cách nào, có phẫu thuật hay không... là điều nhiều người bệnh phải suy tính, cân nhắc. Nhiều người sợ phẫu thuật nhưng muốn khỏi trĩ, vậy nên chữa trĩ theo phương pháp y học hiện đại hay y học cổ truyền? Phẫu thuật theo cách nào hiệu quả và ít biến chứng? Quá trình hậu phẫu cần chăm sóc người bệnh ra sao? Làm thế nào để phòng bệnh trĩ tái phát? Cách ăn uống, sinh hoạt thế nào để không bị bệnh trĩ?...

Nhằm cung cấp cho bạn đọc những kiến thức mới nhất về cách phòng bệnh, phát hiện và điều trị bệnh trĩ; đồng thời giải đáp những thắc mắc của bạn đọc xung quanh vấn đề này, Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống tổ chức buổi Tư vấn Truyền hình trực tuyến 'Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?'.

Khách mời tham dự chương trình gồm:

Truyền hình trực tuyến: Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Truyền hình trực tuyến: Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?

BSCC. Hoàng Đình Lân, Nguyên Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam.

Truyền hình trực tuyến: Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?

TS.BS Trần Thái Hà, Trưởng Khoa Lão, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

Truyền hình trực tuyến: Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?

TS.BS Nguyễn Thị Quỹ, Nguyên Trưởng phòng Nội soi Tiêu hóa, nguyên Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Xanh Pôn, Phó Chủ tịch hội Tiêu hóa Hà Nội, Trưởng ban kiểm tra Hội Tiêu hóa Việt Nam.

MC: Ngoài điều trị bệnh trĩ theo y học hiện đại thì y học cổ truyền cũng được rất nhiều người lựa chọn. Xin hỏi TS.BS Trần Thái Hà, y học cổ truyền hiện nay có những phương pháp gì để chữa trị bệnh trĩ thưa BS?

TS.BS. Trần Thái Hà:

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trĩ là một bệnh phổ biến. Các phương pháp điều trị YHCT chủ yếu là bảo tồn. Có 3 loại: dùng thuốc ngoài, xông tại chỗ ở búi trĩ, dùng lá diếp cá, trinh nữ, hoa hòe xông trực tiếp vào búi trĩ, dùng bã của lá trên để đắp, dùng bột ngâm trĩ của Bệnh viện YHCT. Thứ 2 là nhóm sử dụng thuốc uống, thuốc sắc, điều này phụ thuộc vào thể bệnh. Vì YHCT cũng chia bệnh trĩ ra nhiều thể, vì vậy người bệnh cần được khám chuyên khoa. Sau khi khám bác sĩ đưa ra thể và pháp phương dược.  Có thể huyết ứ, thể khí huyết hư ở người già. Có nhiều thể trong YHCT, bổ sung ích khí thang, lục vị quy thược, tứ vận đào hồng, phụ thuộc vào chẩn đoán của thầy thuốc YHCT. Phương pháp thứ 3 là châm cứu, xoa bóp bấm huyệt để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh trĩ. Một số huyệt hay dùng như trường cường, tứ liêu,  túc tam lý, bách hội. Bên cạnh đó, các phương pháp yoga dưỡng sinh có thể giúp người bệnh tập luyện nâng cao sức khỏe. Trong bệnh lý trĩ, người bệnh thường gặp vấn đề sa  búi tĩnh mạch, tập yoga cũng có thể giúp co các búi trĩ lên.

Đình Nguyên, Hà Nội: Tôi bị trĩ độ 3, được các bác sĩ tư vấn cần thực hiện phẫu thuật cắt trĩ để loại bỏ những khối tĩnh mạch bị sa ra ngoài hậu môn. Tôi nghe nói phẫu thuật trĩ ngoài việc gây tê, gây mê thì bệnh nhân rất đau đớn nên còn chần chừ chưa quyết định phẫu thuật. Xin các bác sĩ tư vấn cho tôi về vấn đề này, liệu tôi có cần phẫu thuật hay chỉ cần điều trị trĩ độ 3 bằng thuốc? Tôi xin cảm ơn.

TS.BS Nguyễn Thị Quỹ:
Ở đây khán giả chưa nói rõ cụ thể tình trạng bệnh, đã trĩ độ 3 bao nhiêu lâu, được chẩn đoán từ bao giờ, đã điều trị nội khoa và kết hợp thuốc đông y, tây y như thế nào, chế độ ăn uống, sinh hoạt ra sao... thì không thể đưa ra tư vấn điều trị đúng đắn được. Do vậy, bạn nên cần đến cơ sở y tế để khám, soi về tình trạng bệnh để có thể có tư vấn chuẩn xác nhất. Nếu kết quả trong vòng 1,2 tháng thì mới rõ được nhất tình trạng bệnh hiện tại, còn kết quả chẩn đoán trong vòng 2,3 năm thì khó đúng với thực trạng bệnh.

MC: Chế độ dinh dưỡng và lối sống có vai trò quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh trĩ. Vậy người mắc bệnh trĩ cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào thưa chuyên gia dinh dưỡng PGS.TS Nguyễn Thị Lâm? Để dự phòng căn bệnh này chuyên gia có lời khuyên gì cho người dân?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm:
Chế độ dinh dưỡng đóng góp nhiều đến vấn đề phát sinh bệnh trĩ. Chế độ ăn không hợp lý, mất cân đối trong thời gian kéo dài là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.
Để dự phòng, một chế độ ăn phải quan tâm chọn thực phẩm tự nhiên  gồm chất xơ bình thường và nhiều chất xơ hòa tan. Trong rau nhiều chất nhớt chứa nhiều chất xơ hòa tan: mồng tơi, rau đay, đậu bắp. Quả chín có tác dụng nhuận tràng, như đu đủ chín, chuối chín. Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, gạo nảy mầm nhiều chất xơ hòa tan, giúp hấp thụ nước trong đường ruột, giúp nhuận tràng, đẩy phân ra ngoài, ngăn ngừa táo bón và hạn chế bệnh trĩ.
Các vi khuẩn Probiotic cũng ngăn ngừa táo bón. Và đặc biệt, uống đủ nước cũng là vấn đề cần lưu tâm. Nhiều người uống không đủ nước. Đặc biệt là các cháu học sinh vận động nhiều cần phải bổ sung thêm nước. Sau tập luyện thể thao, các cháu học sinh mất nước nhiều. 1 ngày học sinh cần 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Người lớn cũng cần phải uống đủ nước.
Một số thảo dược dân gian có tính mát cũng có tác dụng nhuận tràng tốt, chẳng hạn như atiso.
Chế độ ăn cần cân đối, hạn chế  tình trạng táo bón. Chẳng hạn như khoai lang, ăn cả củ và rau đều rất tốt.

Nguyễn Vân Anh, công nhân may: Em bị bệnh trĩ cũng hơn 2 năm rồi, nhưng vẫn chưa điều trị. Khoảng hơn 1 tuần nay, em đi đại tiện thường hay bị chảy máu và đau rát hậu môn, mặc dù em không bị táo bón. Do đặc thù công việc may phải ngồi nhiều giờ đồng hồ khiến người rất ê ẩm, đặc biệt là phần mông nên em phải kê thêm gối êm để hạn chế việc đau rát. Em muốn hỏi là bây giờ em nên điều trị như thế nào? Xin BS tư vấn giúp!

BSCC. Hoàng Đình Lân:

Với các triệu chứng như bạn kể thì trĩ ở giai đoạn độ 1-2 thôi, biểu hiện nóng rát và chảy máu là chính, bởi vậy chủ yếu là điều trị nội khoa, dùng thuốc tốt nhất là phải có thăm khám, chỉ định, phân loại độ trĩ, còn lại điều trị thì phải gặp đúng thầy thuốc chuyên khoa hậu môn trực tràng hoặc tiêu hóa. Nếu tây y thì người ta sẽ điều trị cho chị bằng thuốc cầm máu, giảm đau, chống phù nề, chống đau rát, thuốc đặt tại chỗ, thuốc toàn thân... Còn y học cổ truyền thì có thể dùng một số bài thuốc, hiện nay các bài thuốc rất tốt đã được hiện đại hóa y học cổ truyền bằng các thuốc uống, thuốc viên rất tốt cho độ 1, độ 2...

Phạm Phương (Nam Định): Chào các bác sĩ, tôi nghe nói có rất nhiều bài thuốc dân gian có tác dụng chữa bệnh trĩ, bác sĩ có thể tư vấn cho tôi về các bài thuốc này không?

TS.BS. Trần Thái Hà:
Các bài thuốc dân gian để điều trị trĩ, đặc biệt là thể trĩ nội độ 1 -2 có hiệu quả cao. Một trong số vị thuốc đó là hoa hòe, đây là vị thuốc tính đắng, có tính hàn, có tác dụng kháng khuẩn, giải độc,  tiêu viêm. Mỗi ngày bạn có thể dùng 15g hoa hòe sắc uống hàng ngày rất tốt cho người bị bệnh trĩ. Ngoài ra có người dùng hoa hòe sao lên kết hợp với một số các loại thuốc đông y khác như diếp cá, trinh nữ... sắc uống. Dân gian còn dùng hoa hòe nấu canh cà chua hoặc thịt gà, thịt lợn rất dễ ăn. Khi bị trĩ chảy máu, hoặc đau nhiều, có thể  dùng bài thuốc 20g hoa hòe, 40g ngải cứu, 40g kinh giới, 20g chỉ xác, 15g phèn phi cho vào nồi đậy kín bằng lá chuối đun lên. Khi sôi, chọc thủng lá chuối xông trực tiếp vào búi trĩ, khi nước nguội dùng bã đắp tại chỗ. Ngoài ra bạn có thể ăn lá lộc vừng, trinh nữ... Đây là những bài thuốc dân gian rất dễ sử dụng. Hoặc có thể xay sinh tố ăn như các loại rau má, diếp cá, bột sắn (đông y gọi là cát căn) mỗi ngày có thể uống 3-4 cốc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, rất nhuận tràng.

Câu hỏi điện thoại 1: Nguyễn Ngọc Vũ: Kính chào Bác Sỹ. Tôi tên là Nguyễn Ngọc Vũ, sinh năm 1978. Năm 2011 tôi có đi khám ở bệnh viện Bạch Mai, Bác Sĩ chuẩn đoán tôi bị trĩ nội độ 1 và có cho tôi uống thuốc tây nhưng không khỏi. Nay tôi thường xuyên đi ngoài bị táo bón và mỗi khi đi ngoài thường bị máu chảy thành giọt. Mong bác sỹ tư vấn cho tôi nên kiêng ăn những loại thực phẩm nào? vàvdùng loại thuốc nào để có thể chữa khỏi bệnh mà không cần làm tiểu phẫu? Xin chân thành cảm ơn bác sỹ ạ!

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm:
Câu hỏi độc giả quan tâm nhất là tránh thực phẩm gì? Người bị trĩ đã chảy máu thì phải ăn gì để tránh táo bón, bởi táo bón làm chảy máu hơn nữa và làm bệnh nặng hơn? Thứ nhất phải tránh ổi, bởi ổi có tannin gây táo bón. Chúng ta phải tránh hồng xiêm, nhất là hồng xiêm còn xanh, và tránh sung giàu tannin.
Nên ăn rau xanh mềm như mồng tơi, rau đay, mướp, hoa thiên lý, rau khoai lang, củ khoai.
Các quả chín như quả đu đủ, chuối, hay quả thanh long có nhiều chất xơ, kích thích giảm tình trạng táo bón.

Truyền hình trực tuyến: Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?

bonglantrang78@gmail.com: Tôi bị bệnh trĩ nhẹ. Mỗi lần bị đi ngoài chảy máu và búi trĩ có lòi ra ngoài một ít. Đi khám bác sĩ nói tôi mắc trĩ giai đoạn 2. Tôi thường mua lá diếp cá đun uống thì thấy có đỡ hơn nhưng thực sự tôi rất sợ mùi lá diếp cá. Vậy xin hỏi bác sĩ công dụng của rau diếp cá và cách sử dụng trong điều trị bệnh trĩ như thế nào? Có loại lá nào thay thế diếp cá mà vẫn đem lại hiệu quả không ạ.

TS.BS. Trần Thái Hà:
Như thông tin bạn vừa chia sẻ bạn bị trĩ nội độ 2, tôi xin tư vấn như sau. Lá diếp cá có vị chua, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc nên được sử dụng nhiều trong bệnh trĩ. Thường người ta dùng lá diếp cá  rửa sạch xay sinh tố uống hàng ngày, hoặc dùng lá diếp cá với các loại thảo dược khác ngâm. Tuy nhiên với trường hợp của bạn, bạn có thể chuyển sang các lá khác như lá lộc vừng (10-15 lá bánh tẻ) hãm nước, đun lên uống. Hoặc lộc vừng dùng cách tương tự như vậy đắp tại chỗ. Lá thiên lý cũng có thể làm như vậy, rửa sạch ngâm muối, giã lấy nước uống hoặc đắp. Nếu bạn ngại dùng các loại lá như vậy bạn có thể dùng các bài thuốc lục vị quy thược. Bạn nên đến bệnh viện YHCT để được khám và chỉ định điều trị đúng. Với trường hợp của bạn cần được kiểm tra khám thường xuyên. Nhiều người thường chỉ nghĩ táo bón, bị trĩ nên bỏ qua mà không đi khám bệnh nhưng có khi đó lại là triệu chứng bệnh khác mà người bệnh thường bỏ qua như có thể một loại polip hoặc bệnh lý hậu môn trực tràng khác. Bạn cần phải đi khám bệnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Tôi nghĩ rằng bên cạnh thuốc đông y rất dễ kiếm, bạn cần có một chế độ ăn đủ rau xanh. Ít nhất đảm bảo 200g rau xanh mỗi ngày như mồng tơi, mướp, rau đay, bầu bí, gạo không nên xay sát quá kỹ để giảm tình trạng táo bón, ăn thêm khoai, đừng quên uống đủ 1,5- 2lít mỗi ngày, bạn có thể ăn thêm sữa chua để phòng táo bón. Nghệ cũng là một loại gia vị bạn cần bổ sung trong bữa ăn hàng ngày vừa giúp nhuận tràng, vừa giảm tổn thương của búi trĩ.

Thu Lam (Thái Bình): Tôi làm việc văn phòng nhiều, vì công việc bận nên không có thời gian đi tập thể dục. Gần đây tôi thường xuyên bị táo bón (4 ngày mới đi cầu 1 lần), đi khám ở Bệnh viện Y học cổ truyền, bác sĩ bảo tôi bị trĩ độ 1. Xin hỏi bác sĩ, giờ tôi phải làm thế nào để không bị nặng thêm và khỏi bệnh. Tôi nghe nói nếu độ 3-4 sẽ phải phẫu thuật rất đau. Xin cảm ơn

TS.BS. Trần Thái Hà:
Công việc văn phòng của bạn làm bạn ít vận động. Cố gắng vận động ngay cả khi làm việc. Sau nửa tiếng bạn có thể đứng dậy vận động. Tình trạng táo bón của bạn (4 ngày đi 1 lần) rất không tốt. Bạn cần phải hạn chế các chất kích thích như cà phê, bia rượu, ăn đồ mát như bột sắn, thanh long, rau lang, mồng tơi, giảm thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo. Nếu bạn bị bệnh lâu dài rồi bạn cần đến bệnh viện để dùng các sản phẩm đông y hỗ trợ. Bạn có thể tập yoga rất tốt. 2 vấn đề cần lưu ý trong bệnh trĩ là cơ thắt hậu môn và sa búi trĩ. Khi tập yoga dưỡng sinh, động tác ngồi thiền, khi nín thở thắt cơ hậu môn lại, giữ càng lâu càng tốt, động tác này rất tốt. Hoặc nằm ngửa, kê gối dưới mông, 2 chân gập xếp bằng tròn hoa sen, gập lên phía trên cao, nín thở giữ cơ thắt hậu môn chặt càng lâu càng tốt. Huyết dịch lưu thông tốt sẽ không bị tích tụ ở đại tràng, dẫn đến sa tĩnh mạch của búi trĩ. Tập vận động thắt cơ hậu môn rất tốt khi đói.

Bạn đọc 50 tuổi, TP.HCM: Chào bác sĩ, tôi bị bệnh trĩ vòng giai đoạn 4, búi trĩ rất to và đau rát. Theo bác sĩ, tôi có nên phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc để giải quyết triệt để búi trĩ hay không? Nhưng tôi nghe nói rằng phương pháp này cũng có để lại một số biến chứng nguy hiểm như rò hậu môn, đại tiện mất tự chủ, hoặc gây hẹp hậu môn. Làm sao để điều trị dứt điểm được ạ?

TS.BS Nguyễn Thị Quỹ:
Theo tôi, khán giả này đã bị chẩn đoán trĩ độ 4 và có chỉ định rất nặng nề. Sau khi để đến giai đoạn cuối của một căn bệnh thì tôi nghĩ phẫu thuật là phương pháp tối ưu dành cho bệnh nhân này. Tuy nhiên, lo lắng của bệnh nhân là đúng bởi vì việc thủ thuật cũng như phẫu thuật bao giờ cũng có mặt phải và mặt trái.
Tuy nhiên, nếu khán giả này đến được những trung tâm cao cấp, các bệnh viện có thương hiệu, thì sẽ được các chuyên khoa giúp và phẫu thuật, đem lại những kết quả tối ưu nhất cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân này, chỉ còn phương pháp phẫu thuật là tối ưu. Biến chứng là điều có thể hoàn toàn xảy ra, nhưng ở các bệnh viện, bác sĩ có kinh nghiệm có thể hoàn toàn xử lý được.
Một số biến chứng như sau khi cắt trĩ xong, bệnh nhân có thể bị chảy máu, chảy máu rất dữ dội. Nếu như ở các cơ sở tốt thì việc xử lý các vụ việc này rất bình thường, không có vấn đề gì cả. Nhưng ở những trung tâm không đầy đủ kỹ thuật, hoặc không có kinh nghiệm nhiều thì khi chảy máu mà không xử lý được thì cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong. Những trường hợp chảy máu như thế này thì bệnh nhân bắt buộc phải trở lại phòng mổ và phẫu thuật viên sẽ phải quay trở lại cầm máu, thắt thật nhanh và can thiệp ngay thì mới cứu được bệnh nhân. Biến chứng thứ hai là nếu phẫu thuật viên không có kinh nghiệm, cắt phải trụ cơ, khoét quá nhiều niêm mạc thì sẽ khiến trực tràng bị hẹp lại thì bệnh nhân sẽ bị hẹp trực tràng, rất khó chịu. Có những bệnh nhân sau khi mổ xong phải đến viện 2 lần để nội soi và nong hậu môn. Nếu không, họ đi cầu sẽ rất khổ và dùng thuốc nhuận tràng liên tục. Biến chứng thứ 3 là cắt phải cơ vòng, đây là biến chứng rất ít nhưng những nhà chuyên khoa không sâu, ít kinh nghiệm, chủ quan vẫn có thể mắc phải, sẽ khiến bệnh nhân đại tiểu tiện không chủ động.
Hoặc chăm sóc không tốt sau mổ thì có thể gây dò hậu môn, áp xe hậu môn.. khiến ảnh hưởng tới cuộc sống của bệnh nhân.
Do đó, bệnh nhân cần phải đến các trung tâm y tế uy tín, nhờ các chuyên gia y tế có chuyên môn, kinh nghiệm.
Ngoài ra, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần phải chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt để bệnh không bị tái phát. Nên dùng thuốc đông y vì tác hại không nhiều, không gây ảnh hưởng tới gan, thận, vì vậy có thể dùng kéo dài.

Câu hỏi điện thoại: Thưa bác sĩ. Cháu 23 tuổi, là nữ. Cách đây 2 tháng hậu môn xuất hiện 1 cục thịt nhỏ thôi ạ, không đau ngứa hay chảy máu cả, khi đi vệ sinh cháu mới thấy. Cháu nhìn vào gương cũng thấy nhưng mà nó giống như lớp da bị phồng mỏng lên thôi ạ. Bác sĩ cho cháu hỏi có phải cháu bị trĩ không ạ? Và chữa trị bằng cách nào ạ? Cảm ơn bác sĩ!

TS.BS. Trần Thái Hà:
Theo tôi, cũng có thể là một tổn thương ở hậu môn, cục thịt thì không phải búi trĩ, vì búi trĩ thường là giãn tĩnh mạch. Bạn nên đi khám ở cơ sở chuyên khoa về hậu môn trực tràng để được đánh giá một cách chính xác nhất. Trĩ ngoại ở phía ngoài hậu môn, trĩ nội ở phía trong. Trĩ nội hay trĩ ngoại đều là các búi tĩnh mạch giãn, sa xuống, người ta chia thành 4 độ ở cả trĩ nội và trĩ ngoại. Theo bạn mô tả là cục thịt thì không phải là bệnh trĩ nữa.  Bạn cần nhanh chóng đi khám chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán sớm và chính xác nhất. Tùy chẩn đoán của bác sĩ mà bạn sẽ được tư vấn điều trị tốt nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!