Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là đảm bảo tương lai cho thế hệ trẻ, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: CHÍ CƯỜNG
Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức
Dân số được chia thành nam và nữ. Sở dĩ như vậy là vì nam và nữ khác nhau ở cả góc độ tự nhiên (sinh học) lẫn góc độ xã hội (giới). Cần chú ý và tính đến những điểm khác biệt này nhằm phân công lao động hợp lý trong gia đình và ngoài xã hội, phấn đấu đạt tới sự bình đẳng nam, nữ thực sự.
Để đánh giá mức độ cân bằng giữa số nam và số nữ của dân số, người ta thường dùng các chỉ tiêu: Tỉ lệ nam, tỉ lệ nữ trong tổng dân số; hoặc chỉ tiêu tỉ số giới tính, tức là số nam tương ứng với 100 nữ. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, nước ta có 96.208.984 người; trong đó có 47.881.061 nam, 48.327.923 nữ; tỉ số giới tính là 99,1 (100 nữ thì trung bình có 99,1 nam). Như vậy, xét toàn bộ dân số, số nam và số nữ ở nước ta gần cân bằng.
Người ta không chỉ chú ý đến tính cân bằng giữa nam và nữ của toàn bộ dân số mà còn đặc biệt quan tâm đến sự cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh thông qua việc tính toán tỉ số giới tính khi sinh, nghĩa là trung bình cứ sinh 100 cháu gái thì tương ứng sinh được bao nhiêu cháu trai. Tỉ số này được tính hằng năm và theo quy luật tự nhiên thường vào khoảng từ 104 - 106.
Theo kết quả các cuộc Điều tra Dân số, năm 2006, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam cao bất thường, lên đến 109,8 và từ đó có xu hướng tăng dần. Như vậy, đã có sự lựa chọn của cha mẹ, sự can thiệp của tư vấn và kỹ thuật để sinh được con trai.
Ngay từ năm 2003, khi tỉ số giới tính khi sinh còn ở mức bình thường (104 bé trai/100 bé gái), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Dân số, trong đó nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Năm 2016, Chính phủ cũng phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.
Những thách thức không thể bỏ qua
Dù đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy 5 xu hướng biến động của tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam rất đáng lo ngại.
Một là, xét trên phạm vi cả nước, tỉ số giới tính khi sinh khá cao và vẫn có xu hướng tăng lên. Từ năm 1961, khi thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, dù nhanh chậm khác nhau nhưng mức sinh luôn luôn giảm. Trong khi đó, mặc dù đã nhiều năm triển khai Pháp lệnh Dân số và Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tỉ số này vẫn không ngừng tăng lên. Nếu năm 1999, tỉ số này mới là 107 thì đến năm 2009 tăng lên 110,5 và 10 năm qua tiếp tục tăng lên đến 111,5. Điều này cho thấy giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh còn khó khăn hơn cả giảm sinh.
Hai là, tỉ số giới tính khi sinh ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị. Năm 2009, tỉ số giới tính khi sinh khu vực thành thị là 110,6, cao hơn khu vực nông thôn không đáng kể (110,5). Năm nay ngược lại, tỉ số này ở nông thôn là 111,8, còn ở thành thị là 110,8. Rõ ràng, tỉ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao hơn và tăng nhanh hơn thành thị. Điều này thực sự đáng lo ngại, khi khoảng 2/3 dân số nước ta sống ở nông thôn. Do đó, xu hướng tăng nhanh tỉ số giới tính khi sinh ở nông thôn sẽ quyết định xu hướng biến động tỉ số này của cả nước.
Ba là, tỉ số giới tính khi sinh tăng nhanh nhất ở các tỉnh vùng núi và cao nguyên. Trong 10 năm (2009-2019), tỉ số giới tính khi sinh vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng mạnh nhất, từ 108,5 lên 114,2. Tiếp đó là Tây Nguyên tăng nhanh thứ hai, từ 105,6 lên 108,6. Như vậy, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm sinh được con trai đã lan tỏa nhanh đến những vùng có trình độ phát triển chưa cao.
Bốn là, tỉ số giới tính khi sinh ở 4 vùng tăng lên, chỉ có 2 vùng giảm nhẹ. Ngoài các vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, còn 2 vùng có tỉ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng. Đó là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Trong khi đó, chỉ có 2 vùng tỉ số giới tính khi sinh giảm, đó là: Đồng bằng sông Cửu Long, giảm từ 109,9 xuống 106,9; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung giảm ít hơn, từ 109,7 xuống 109,4.
Năm là, tăng nhanh số tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh rất cao. Năm 2009, chỉ có 9 tỉnh hầu hết tập trung ở Đồng bằng sông Hồng có tỉ số giới tính khi sinh rất cao, từ 115 trở lên. Đến năm 2019, đã có 17 tỉnh có tỉ số này cao như vậy. Đặc biệt là các tỉnh này phân bố ở khắp 6 vùng kinh tế xã hội của nước ta. Chẳng hạn, tỉ số giới tính khi sinh của Sơn La là 121,8; Hà Nam: 125,3; Hà Tĩnh: 115,2; Lâm Đồng 115,8; Bà Rịa - Vũng Tàu: 121,1 và Long An: 119,8. Những tỉnh này có thể trở thành nhân tố thúc đẩy tăng tỉ số giới tính khi sinh của các tỉnh trong vùng.
Những xu hướng biến động của tỉ số giới tính khi sinh nói trên cho thấy những thách thức to lớn trong việc đưa tỉ số này xuống 'dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống' vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết 21 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về Công tác dân số trong tình hình mới đề ra.
Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh hôm nay phải vài chục năm sau mới bộc lộ. Vì vậy, nỗ lực ngay từ bây giờ nhằm đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là đảm bảo tương lai cho thế hệ trẻ, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước mai sau.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!