Từ trường hợp 1 người hiến tạng cứu được 5 người: Bạn đã biết gì về Hiến tạng

Cần biết - 11/24/2024

Vượt qua tâm lý sợ hãi và nhiều rào cản từ gia đình, xã hội, nhiều người đã tình nguyện hiến tạng sau khi từ giã cõi đời.

Sáng 24/12 vừa qua, trong khi các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức ở Hà Nội và Bệnh viện Nhi đồng 2 họp báo thông tin thành công của 5 ca mổ ghép tạng, thì bé Huy một mình đi lại ở phòng cách ly. Bé được ghép một quả thận từ nam bệnh nhân ở Ninh Bình hiến tặng, hôm 12/12.

Bệnh nhân ở Ninh Bình bị chết não đã hiến tạng giúp 5 người hồi sinh cuộc sống trở thành một ngọn lửa yêu thương được lan tỏa mạnh mẽ.

Họ cùng có chung một mục đích để duy trì sự sống cho những người mắc bệnh cần được ghép tạng. Mặc dù vậy, số người hiến tạng vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số lượng người cần được ghép tạng. Để cải thiện tình trạng này, mọi người cần có cái nhìn đúng đắn hơn về việc hiến tạng cũng như những đối tượng hoàn toàn có thể hiến tạng nhân đạo.

Người khỏe mạnh hiến một phần tạng

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác của nước ta đã quy định bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác. Chính vì vậy mà ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể hiến tạng. Trên thực tế, trường hợp hiến tạng sống chủ yếu diễn ra khi người thân trong gia đình cần được ghép tạng.

Từ trường hợp 1 người hiến tạng cứu được 5 người: Bạn đã biết gì về Hiến tạng

Mỗi bộ phận nội tạng được trao đi là một món quà vô giá cho sự sống

Tuy nhiên, có một số bộ phận có thể hiến tặng khi còn sống mà người hiến tặng vẫn có thể đảm bảo được cuộc sống thường ngày sau khi hiến đó là thận và gan. Thận của chúng ta vẫn có thể hoạt động được đầy đủ chức năng với chỉ 1 bên thận. Trong khi đó gan có thể tái tạo sau khi cắt đi 1 phần, tuy nhiên không thể đạt được thể tích giống như khi chưa cắt. Thường gan tái sinh khoảng 60% so với thể tích ban đầu. Chính nhờ sự kỳ diệu đó mà dường như việc hiến tạng sống đang dần được nhiều người tình nguyện. Bên cạnh đó, những người khỏe mạnh nếu không hiến tạng sống thì có thể đăng ký hiến tạng sau khi chết não hay qua đời.

Người bị bệnh hiểm nghèo cũng có thể hiến tạng khi qua đời

Những người bệnh như ung thư hay đã từng điều trị bệnh ung thư cũng có thể đăng ký hiến tạng hoặc mô sau khi qua đời. Chúng ta không nên nghĩ rằng việc bị bệnh thì không thể hiến tạng nhân đạo. Giác mạc thường là bộ phận được hiến từ những đối tượng có bệnh hiểm nghèo sau quá trình điều trị kéo dài nhưng không thể cứu được sự sống.

Từ trường hợp 1 người hiến tạng cứu được 5 người: Bạn đã biết gì về Hiến tạng

Một bộ phận tạng được hiến là một sự sống con người sẽ tiếp tục được tồn tại

Việc những người mắc bệnh đồng ý hiến tạng sau khi qua đời thật sự có ý nghĩa biết bao. Dù cuộc đời của họ không may mắn nhưng trước khi chết vẫn có thể làm được việc tốt cứu người. Đây sẽ làm niềm an ủi lớn lao cho những trường hợp bệnh vô phương cứu chữa.

Người không may bị tai nạn chết não, chết tim là đối tượng quan trọng cho việc hiến tạng

Hàng ngày, các bệnh viện lớn nhỏ trên cả nước có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai nạn cấp cứu trong tình trạng chết não, chết tim. Nhưng số trường hợp gia đình đồng ý cho người thân vừa qua đời để hiến tạng thật sự rất ít. Nếu người mất đã đăng ký hiến tạng tự nguyện sau khi chết và cả gia đình cũng biết điều đó thì sẽ dễ dàng hơn cho bệnh viện trong việc đề xuất với gia đình để hiến tạng người mất nhằm mục đích nhân văn cao cả là cứu người. Cuộc đời của người đã mất dù có thể ngắn ngủi nhưng việc hiến tạng cứu người sẽ khiến cho cuộc đời của họ ý nghĩa hơn rất nhiều.

Từ trường hợp 1 người hiến tạng cứu được 5 người: Bạn đã biết gì về Hiến tạng

Những người không may qua đời có thể hiến tạng để cứu sống một người bệnh nguy kịch

Ở nước ngoài, trẻ sơ sinh nhưng qua đời ngay sau sinh hay đối tượng trẻ dưới 18 tuổi cũng có thể hiến tạng nếu được sự cho phép của gia đình

Thực tế là nhu cầu được ghép tạng ở trẻ em cũng rất cao tuy nhiên nguồn tạng từ đối tượng này lại rất hạn chế, đặc biệt là ở nước ta, khi mà luật cấm người dưới 18 tuổi không được hiến tạng. Việc ghép tạng từ những đối tượng đồng lứa tuổi thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Hãy tưởng tượng việc một cơ thể bé 10 tuổi sẽ rất khó để có thể tiếp nhận thận của một người trưởng thành 30 tuổi.

Trên thế giới có rất nhiều nước cho phép trẻ dưới 18 tuổi hiến tạng nếu không may qua đời, đặc biệt là những đối tượng trẻ sơ sinh do quá trình mang thai xảy ra vấn đề nên đã tử vong ngay hoặc vài ngày sau khi sinh. Chính những trường hợp như vậy cũng là nguồn hiến tạng quý báu nếu cha mẹ các em đồng ý hiến tặng.

 Chuyên đề Hiến tạng: Để sự sống luôn tồn tại  

Ảnh minh họa: Internet

 Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!