Thấy con bị chướng bụng, gia đình đắp lá trầu không hơ nóng lên bụng và ngực khiến con bị bỏng
Theo nguồn tin từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình, bệnh viện mới tiếp nhận bệnh nhi M.H.P.L., 14 ngày tuổi (ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh), trong tình trạng sốt kèm theo bỏng da độ II diện rộng vùng bụng và ngực.
Theo mẹ cháu L., trước đó một ngày, cháu bị chướng bụng, nhiều người mách gia đình lấy lá trầu không hơ nóng dán lên bụng và ngực nên đã làm theo. Sau khi thực hiện, cháu bé không đỡ mà còn quấy khóc, xuất hiện sốt, da vùng bụng, ngực bị đỏ và phồng rộp nên gia đình cho cháu nhập viện.
Theo các bác sĩ, bé sơ sinh bị bỏng độ II diện rộng vùng bụng và ngực. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất phổ biến, xuất phát từ tâm lý không lạm dụng kháng sinh, chữa bệnh bằng mẹo dân gian, nhiều mẹ trẻ hiện nay đang tự chữa bệnh cho con theo kiểu truyền miệng hoặc chữa bệnh theo bác sĩ google. Điều này thực sự rất nguy hiểm, có thể gây tổn hại nặng nề cho sức khỏe của bé.
Lá trầu không có thể đắp chướng bụng cho trẻ nhỏ nhưng phải đúng liều lượng và tùy trường hợp cụ thể
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Trong 100g lá trầu không chứa tới 2,4% tinh dầu.
Lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn.
Các thành phần chính của tinh dầu trầu không thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ... và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm.
Lương y Bùi Hồng Minh
Sử dụng lá trầu không đắp ngoài da để chữa bệnh là kinh nghiệm dân gian, có thể đắp và cho hiệu quả nhất định. Trong trường hợp bé bị chướng bụng thì cũng có thể đắp. Tuy nhiên, đắp cho trẻ bị chướng bụng nhưng phải xác định được trẻ bị chướng bụng do nguyên nhân gì, nếu là bị lạnh bụng thì có thể đắp với liều lượng phù hợp tùy cơ địa từng trẻ.
Không thể tự ý lấy lá trầu không đắp cho bé khi thấy bị trướng bụng mà chưa xác định rõ nguyên nhân. Việc dùng quá nhiều trầu không đắp ngoài da có thể khiến trẻ bị bỏng cũng là chuyện có thể xảy ra nên cha mẹ cần hết sức cẩn trọng, chưa kể trong trường hợp này lá còn được hơ nóng lên thì càng khó tránh.
Theo vị chuyên gia này, lá trầu không có tính ấm, cay, lại được hơ nóng trước khi đắp nên khi áp lên làn da của trẻ sơ sinh rất nguy hiểm. Nếu cha mẹ muốn chữa bệnh cho trẻ sơ sinh bằng cách đắp lá trầu không càng phải tham khảo ý kiến chuyên gia bởi lẽ lá trầu không có khả năng gây kích ứng, tổn thương cho làn da rất non nớt của trẻ sơ sinh.
Theo vị chuyên gia này, lá trầu không có tính ấm, cay, lại được hơ nóng trước khi đắp nên khi áp lên làn da của trẻ sơ sinh rất nguy hiểm.
Chuyên gia cho biết thêm, hiện nay vẫn có nhiều người dân đang tin tưởng và có xu hướng chữa bệnh bằng y học cổ truyền, nhưng các vị thuốc lại không đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ mà hoàn toàn nghe theo miệng người này người kia để áp dụng cho bản thân. Việc chưa được trang bị kiến thức Đông y nhưng lại tự ý bốc thuốc về dùng sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên tin theo quảng cáo mà hãy tìm đến những cơ sở điều trị uy tín như các bệnh viện y học cổ truyền, các phòng khám y học cổ truyền đã được Bộ Y tế, Sở Y tế quản lý, cấp phép.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!