Nam thanh niên bị điện giật ngưng tim trong lúc hàn sắt để sửa quán ăn
Điện giật là một hiện tượng có thể thường xuyên gặp nhưng việc không nắm rõ cách sơ cứu có thể khiến bạn gặp họa. Mới đây, một nam thanh niên ở Cà Mau bị điện giật đến nỗi ngưng tim lại một lần nữa cảnh tỉnh chúng ta cần nắm rõ những kỹ năng sống tránh gặp họa.
Theo đó, bệnh nhân được người xung quanh ngắt nguồn điện và đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải chiều 7/11 trong tình trạng ngưng tim, thở yếu, da tái nhợt và bỏng trên tay.
Bệnh viện khẩn cấp kích hoạt cấp cứu nội viện Code Blue, huy động các bác sĩ nhanh chóng có mặt để cùng cấp cứu bệnh nhân. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, ấn tim ngoài lồng ngực và sốc điện. Khoảng 5 phút tích cực xử trí, bệnh nhân mới có phản ứng sau sốc điện và có nhịp tim trở lại, qua cơn nguy kịch.
Điện giật là một hiện tượng có thể thường xuyên gặp nhưng việc không nắm rõ cách sơ cứu có thể khiến bạn gặp họa.
Từ trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo nạn nhân nếu đã ngừng thở, ngừng tim thì càng phải sơ cứu khẩn cấp, đặc biệt phải sơ cứu đúng cách. Nếu tích cực hô hấp hồi sức cấp cứu bằng cách hà hơi thở ngạt và nhấn tim kịp thời, đúng cách trong những phút đầu tiên. Không ít người, do không được sơ cứu đã tử vong trong thời gian đợi xe cấp cứu đến. Do đó, sơ cứu khi bị điện giật đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Làm thế nào để sơ cứu khi bị điện giật đúng cách, tránh nguy cơ tử vong?
Theo BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai), dù là sơ cứu điện giật ở người lớn hay trẻ em cũng cần đảm bảo nguyên tắc lập tức ngắt nguồn điện, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Nạn nhân đang ở nơi có nhiều nước thì cần đưa ra khỏi vùng nước. Cần ủ ấm, tránh để cho nạn nhân bị lạnh. Việc giữ thân nhiệt cho nạn nhân là rất quan trọng, nhất là với thời tiết lạnh.
Dù là sơ cứu điện giật ở người lớn hay trẻ em cũng cần đảm bảo nguyên tắc lập tức ngắt nguồn điện, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện.
Không hoảng loạn sờ vào người bị điện giật khi chưa ngắt điện. Nên đeo găng tay cao su, sử dụng vải khô, đi dép khô, đứng nơi khô ráo khi ngắt điện. Sau khi bệnh nhân bị ngất mà tỉnh hẳn vẫn nên đưa vào bệnh viện kiểm tra và theo dõi. Nghiêm cấm tạt nước khi thấy nạn nhân bị bỏng, tuyệt đối không được cạo gió, xoa dầu.
Đối với người lớn
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, bạn cần thực hiện theo những bước sau để cứu người bị điện giật:
- Tắt cầu dao điện, sau đó nhanh chóng gọi xe cấp cứu và cơ quan chức năng ngành điện để được giải cứu sớm nhất.
- Sử dụng vật liệu cách điện gỗ khô hoặc vật nhựa khô để tách dây điện ra khỏi người bị điện giật. Lưu ý người cứu cần ở vị trí cách điện nếu không sẽ bị điện giật lây.
- Tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bị điện giật theo những bước sau: Để cổ nạn nhân ngửa và nâng cằm lên. Kẹp mũi lại, áp miệng vào miệng của nạn nhân và thực hiện 2 lần, mỗi lần 1 giây. Theo dõi để đảm bảo ngực nạn nhân vẫn nở ra bình thường. Hô hấp nhân tạo 2 lần sau 30 lần ép tim.
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bị điện giật khi nạn nhân bất tỉnh.
Với trẻ em
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), để sơ cứu khi trẻ em bị điện giật, cha mẹ cần thực hiện theo những bước sau:
- Ngắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách rút dây điện, ngắt cầu dao điện…
- Không nên chạm vào trẻ bằng tay trần trong khi trẻ vẫn đang tiếp xúc với dòng điện và không được đi vào khu vực rò điện có nước nếu không chính bạn cũng có thể bị điện giật. Để tách trẻ khỏi nguồn điện, bạn nên sử dụng một đồ vật không làm bằng kim loại và không dẫn điện như que gỗ hay chổi…
- Khi trẻ đã được tách khỏi nguồn điện và có thể chạm vào một cách an toàn, nên kiểm tra xem trẻ còn thở và mạch còn đập không. Nếu trẻ ngừng thở và không có mạch, cấp cứu hồi sinh tim phổi (CPR) nên được tiến hành ngay lập tức. Dù vết thương là lớn hay nhỏ thì vẫn nên gọi cấp cứu ngay.
- Trường hợp trẻ vẫn thở tốt, cần kiểm tra màu da của trẻ xem có chuyển sang xanh tái hay không. Tiếp tục theo dõi nhịp thở của trẻ và thực hiện cấp cứu CPR nếu trẻ ngừng thở.
Nếu trẻ ngừng thở và không có mạch, cấp cứu hồi sinh tim phổi (CPR) nên được tiến hành ngay lập tức.
- Tìm xem da trẻ có bị bỏng hay không. Sốc điện có thể khiến da bị bỏng nặng. Ngay cả khi vết bỏng bên ngoài trông không quá nghiêm trọng thì trên thực tế vết bỏng có thể rất sâu và gây đau đớn. Ngoài ra, vết bỏng trên môi đôi khi rất khó quan sát.
- Nếu trẻ bị bỏng, không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng. Cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay để được nhân viên y tế xử trí. Bác sĩ sẽ làm sạch và băng vết thương cho trẻ đồng thời kiểm tra những tổn thương bên trong. Nếu trẻ bị đau, hãy hỏi bác sĩ xem có thể cho trẻ sử dụng paracetamol hay ibuprofen hay không.
- Nếu bác sĩ cho rằng con bạn bị tổn thương các cơ quan bên trong, trẻ sẽ được tiến hành một số xét nghiệm. Trường hợp bỏng nặng, trẻ sẽ cần phải nằm viện điều trị.
Để phòng tránh điện giật, giới chuyên gia khuyến cáo, khi sử dụng điện cần cầm đúng vị trí, đối với các công cụ điện cầm tay như máy khoan, máy mài... phải mang găng tay cách điện, dây điện phải ở trong ống cách điện và sử dụng dây có vỏ bọc cách điện, thiết bị điện, ổ cắm phải để xa tầm tay trẻ em...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!