Mới đây, tại Hà Nội đã có một trường hợp tử vong nghi do sốc nhiệt, vì vậy, việc phòng tránh và sơ cứu đúng cách là rất quan trọng.
Nguy cơ các biến chứngnghiêm trọng và tử vong
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 18/5, khi một người đàn ông khoảng 70 tuổi nằm bất tỉnh trước cửa nhà của một hộ dân trên đường Yên Phụ, thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Khi phát hiện ra sự việc người dân đã lại gần kiểm tra và phát hiện đã tử vong nên báo cho cơ quan chức năng. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định nạn nhân là người vô gia cư, thường xuất hiện ở các địa điểm công cộng và không có người thân. Bước đầu cơ quan chức năng cho biết, nguyên nhân nạn nhân tử vong có thể do bị sốc nhiệt vì nắng nóng.
Sốc nhiệt là tình trạng gây ra bởi cơ thể của bạn quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là hình thái tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất, sốc nhiệt có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên đến 400C (104 độ F) hoặc cao hơn. Sốc nhiệt cần được điều trị cấp cứu. Sốc nhiệt không điều trị có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ, làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.
Mặt khác, thể nhẹ hơn được gọi là kiệt sức vì nhiệt/lả nhiệt (heat exhaustion), là một tình trạng mà triệu chứng có thể bao gồm ra mồ hôi nhiều và mạch nhanh là do cơ thể quá nóng. Lả nhiệt là một trong ba hội chứng liên quan tới nhiệt, trong đó chuột rút do nhiệt là hội chứng nhẹ nhất và sốc nhiệt là hội chứng nặng nhất.
Biện pháp sơ cứu người bị sốc nhiệt do nắng nóng.
Ai dễ bị sốc nhiệt?
Bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt, nhưng có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ như:
Tuổi: khả năng đối phó với nhiệt độ khắc nghiệt phụ thuộc vào sức chịu đựng của hệ thần kinh trung ương. Ở trẻ em, hệ thần kinh trung ương phát triển chưa đầy đủ và ở người lớn trên 65 tuổi, hệ thần kinh trung ương bắt đầu bị thoái hóa khiến cho cơ thể không đủ khả năng đối phó với sự thay đổi nhiệt độ cơ thể.
Gắng sức trong thời tiết nóng:huấn luyện quân sự và tham gia các môn thể thao, ví dụ bóng đá, trong thời tiết nóng là một trong những tình huống có thể dẫn tới sốc nhiệt.
Đột ngột tiếp xúc với thời tiết nóng: Nếu tiếp xúc với việc tăng đột ngột nhiệt độ, ví dụ như trong một đợt nóng đầu hè hoặc đi du lịch tới vùng có khí hậu nóng hơn. Hạn chế hoạt động trong ít nhất một vài ngày để cơ thể tự thích nghi với những thay đổi.
Một số loại thuốc:một số loại thuốc ảnh hưởng tới khả năng giữ nước và đáp ứng với nhiệt của cơ thể và một số tình trạng sức khỏe: một số bệnh mạn tính, và một số tình trạng khác như béo phì, ít vận động và có tiền sử sốc nhiệt trước đây cũng có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.
Cách sơ cứu đúng
Nếu thấy nạn nhân có thể bị sốc nhiệt, cần tìm kiếm sự giúp đỡ của y tế ngay lập tức. Gọi dịch vụ cấp cứu 115 hoặc số điện thoại của dịch vụ cấp cứu tại địa phương.
Song song là tiến hành làm mát ngay lập tức nạn nhân bị quá nóng trong khi đợi điều trị cấp cứu bằng cách đưa nạn nhân vào bóng râm hoặc vào trong nhà.
Cởi bỏ bớt quần áo cho nạn nhân, làm mát cho nạn nhân bằng bất cứ phương tiện nào có sẵn:
+ đặt nạn nhân vào bồn nước mát hoặc để nạn nhân dưới vòi tắm hoa sen nước mát.
+ xịt nước mát lên người nạn nhân bằng vòi tưới cây.
+ lau người nạn nhân bằng nước mát.
+ quạt phun sương bằng nước mát cho nạn nhân.
+ đặt túi chườm nước đá hoặc khăn tắm ướt lạnh lên đầu, cổ, nách và bẹn của nạn nhân.
Chủ động phòng chống
Trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường. Nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài khi trời nắng nóng thì cố gắng tránh thời điểm từ 12 giờ trưa đến 16 giờ. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng.
Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol..., tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý đúng nơi quy định.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!