Đặc điểm của tuyến tụy
Tuyến tụy nằm ở giữa vùng bụng và được bao quanh bởi dạ dày, gan, lá lách, túi mật và ruột non; nằm sau dạ dày sát thành sau của ổ bụng. Tuyến tụy là một bộ phận của hệ tiêu hóa và hệ thống nội tiết. Có chiều dài khoảng 15, 24cm, bằng phẳng, có hình dạng giống như chữ J. Tụy gồm có ba phần: đầu tụy, đuôi tụy và thân tụy. Đầu tụy nằm sát đoạn tá tràng D2 và đuôi tụy kéo dài đến sát lá lách. Ống tụy (ống Wirsung) nằm dọc suốt chiều dài của tụy và dẫn lưu dịch tụy đổ vào đoạn D2 của tá tràng. Chỗ ống tụy nối vào tá tràng gọi là bóng Vater. Ống mật chủ thường kết hợp với ống tụy tại bóng Vater. Vì nơi đổ ra của ống tụy và ống túi mật là cùng một nơi nên vị trí đó gọi là cơ vòng Oddi.
Tuyến tụy có chức năng sản xuất các kích thích tố insulin và glucagon. Insulin giúp cơ thể hấp thụ glucose có trong máu, làm giảm lượng đường trong máu và cho phép các tế bào của cơ thể sử dụng glucose cho năng lượng. Insulin được sản xuất ra sau khi ăn protein và đặc biệt là sau khi ăn carbohydrate, làm tăng lượng đường trong máu. Trái ngược với insulin, glucagon làm tăng mức độ đường trong máu. Vì vậy, có sự kết hợp hài hòa giữa insulin và glucagon để duy trì mức độ thích hợp của đường máu. Bên cạnh đó, tụy còn có chức năng ngoại tiết (sản xuất và tiết các dịch tiêu hóa). Sau khi thức ăn vào dạ dày, các enzym tiêu hóa được gọi là dịch tụy đi qua nhiều ống dẫn nhỏ để đến ống tụy chính và sau đó đến ống dẫn mật. Ống mật lấy dịch vào túi mật, trộn với mật để hỗ trợ tiêu hóa.
Tuyến tụy sản xuất insulin và glucagon.
Nguyên nhân viêm tụy cấp
Bệnh viêm tụy cấp tính, ở các nước phương Tây, sỏi mật và lạm dụng rượu là nguyên nhân của 80% các trường hợp viêm tụy cấp phải nhập viện. Ở Việt Nam, ngoài nguyên nhân do sỏi mật, uống nhiều rượu, bia còn có một nguyên nhân quan trọng khác là do giun chui ống mật - tụy. Bởi vì, nước ta người nhiễm giun và mắc bệnh giun chiếm tỷ lệ khá cao, nhất là giun đũa, giun kim, giun móc, trong đó giun đũa chui ống mật không phải là hiếm gặp. Mặt khác, tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật ở nước ta khá cao.
Viêm tụy cấp do sỏi mật thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới (bởi tỷ lệ phụ nữ bị sỏi mật chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới). Ngoài ra, có nhiều yếu tố thuận lợi làm xuất hiện viêm tụy cấp như tăng mỡ máu, tổn thương tụy do phẫu thuật ổ bụng đụng chạm vào tụy hoặc nội soi hoặc do chấn thương tụy với mọi nguyên nhân (tác động ngoại lực, tai nạn giao thông), hội chứng cường giáp, tăng nồng độ canxi trong máu, sốc kéo dài (làm giảm tưới máu đến tụy), viêm tụy do di truyền hoặc do ghép thận hoặc sử dụng nội tiết tố estrogen hoặc thuốc lợi tiểu furosemide và thuốc ức chế miễn dịch azathioprine.
Triệu chứng viêm tụy cấp
Đau bụng vùng trên rốn là dấu hiệu đặc trưng nhất. Đau bụng dữ dội và thường lan ra sau lưng. Hiếm gặp hơn, đau xuất hiện ở vùng hạ vị. Nếu viêm tụy cấp do sỏi mật hoặc do giun, đau thường xuất hiện đột ngột và nhanh chóng đạt đến cường độ dữ dội chỉ trong vòng vài phút. Khi cử động mạnh, thở sâu đều làm tăng đau. Đau bụng có thể tồn tại liên tục trong vòng vài ngày. Có thể xuất hiện nhiễm trùng (sốt) trong viêm tụy cấp do rượu và thường đến muộn sau 5-7 ngày.
Ngoài ra, có thể xuất hiện sưng và tăng cảm giác đau thành bụng, buồn nôn, nôn mửa, trướng bụng, mạch nhanh, vàng da hoặc có thể có dấu xuất huyết nội hay các mảng bầm tím ở quanh rốn hay vùng hông. Thể nặng, xuất huyết, hoại tử, các triệu chứng toàn thân nặng với hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc, bụng trướng và đau lan rộng (có thể có dấu bụng ngoại khoa). Nếu không cấp cứu kịp thời tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa.
Mặc dù không có một xét nghiệm máu nào đặc hiệu cho chẩn đoán viêm tụy cấp, tuy nhiên, kết hợp các xét nghiệm này sẽ nâng cao giá trị của từng xét nghiệm như xét nghiệm đánh giá sự gia tăng men amylase, siêu âm tụy, chụp CT, chụp cộng hưởng từ là rất cần thiết.
Sự nguy hiểm của viêm tụy cấp cần hết sức cảnh giác
Viêm tụy cấp có thể tạo điều kiện cho các enzym hoạt hóa và các chất độc như cytokine tràn ra ngoài tụy và đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng và lan sang các bộ phận khác vô cùng nguy hiểm. Chất độc cũng có thể được hấp thu từ ổ bụng vào mạch bạch huyết và sau đó vào máu gây nên tụt huyết áp, nhiễm trùng huyết (một bệnh rất nặng) và tổn thương các cơ quan bên ngoài ổ bụng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi nghi ngờ viêm tụy cấp hoặc giun chui ống mật cần được đưa đến bệnh viện ngay để được khám và chẩn đoán xác định càng sớm càng tốt, tránh biến chứng. Người bệnh, người nhà không nên tự chẩn đoán, không tự mua thuốc điều trị.
Để phòng bệnh, không nên uống nhiều rượu, bia. Nên tẩy giun theo định kỳ (6 tháng/lần) theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh. Khi bị sỏi mật cần tích cực điều trị, bởi vì, sỏi mật ngoài biến chứng viêm tụy cấp còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác không thể xem thường.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!