Ngày 3/8, bốn bà cháu ở thôn Gia Thạnh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định bị ong đốt phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, trong đó cháu Châu Lê Xuân Mai (5 tuổi) đã tử vong. Ong đốt có thể gây sốc và tử vong. Vì vậy, các trường hợp bị ong đốt cần xử trí cấp cứu rồi chuyển ngay tới bệnh viện mới mong cứu được bệnh nhân. Mùa hè, đàn ong hoạt động tích cực nên nguy cơ người bị ong đốt tăng lên.
Tình huống nào dễ bị ong đốt?
Trên thực tế, thường gặp các loài ong hay đốt người là: ong vò vẽ, ong mật, ong bầu, ong bắp cày, ong vàng. Tình huống dễ bị ong đốt là:
Một là tự nhiên bị ong đốt: Khi gặp loài ong vàng, chúng có thể tự nhiên tấn công đốt người nên khó tránh.
Hai là quấy phá tổ ong:Các loài ong sẽ đốt người khi người đến gần và có những hành động ném, dùng que chọc quấy phá tổ ong, sẽ bị chúng tấn công ồ ạt đốt người. Loài ong mật có đặc điểm là ngòi có hình răng cưa, khi đốt, ngòi cắm vào da người và bị đứt ở lại trong da. Ở các loài ong khác, ngòi không có hình răng cưa, khi đốt người xong, chúng rút ngòi ra rồi bay đi, ngòi còn nguyên vẹn nên các loài ong này có thể đốt người nhiều lần.
Lấy ngòi ong đứt lại trên da
Nọc ong có nhiều chất độc
Trong nọc ong có nhiều chất độc đối với con người. Tùy loài ong mà chúng có nhiều hay ít loại nọc độc. Nói chung, khi bị ong đốt có thể có các loại nọc độc sau đây làm tổn thương cơ thể người:
Chất Melittin có nhiều trong nọc ong, chủ yếu gây đau, gây tan máu và làm cho các tiểu cầu ngưng kết với nhau. Sau khi chất melittin phá huỷ màng tế bào, men phospholipase A2 sẽ phát huy tác dụng làm tan hồng cầu. Chất Peptide làm thoái hoá các hạt của bạch cầu hạt ưa kiềm, giải phóng histamin gây dị ứng, sốc phản vệ. Men Hyaluronidase có tác dụng phân huỷ acid hyaluronic của tổ chức liên kết làm cho nọc độc của ong dễ lan khắp cơ thể nạn nhân.
Chất Apamin độc với thần kinh, tác dụng mạnh trên tuỷ sống, gây tăng kích thích, co thắt cơ, co giật. Các chất: histamin, serotonin, catecholamin, kinin: gây đau, gây viêm, gây các triệu chứng tại vết đốt, thúc đẩy sự hấp thu các kháng nguyên trong nọc ong. Ngoài ra, nọc ong còn có các chất gây tiêu fibrin, ức chế prothrombin và thromboplastin...
Chớ chủ quan khi bị ong đốt
Ảnh minh họa
Nạn nhân bị ong đốt vì hoảng sợ và đau thường kêu cứu, kêu đau, trẻ em thì la khóc. Khi nạn nhân bị ong đốt, bị nhiễm độc nặng sẽ bị sốc phản vệ với các triệu chứng như sau: sốc phản vệ xảy ra trong vòng 15 phút - 6 giờ đầu, lúc đầu là ngứa mắt, đỏ mắt, nổi mề đay toàn thân, ho khan. Sau đó, nạn nhân bị cảm giác bó ngực, co thắt hầu họng, thở rít, khó thở, da tím tái, đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, rét run và sốt, tiếng rít thanh quản, hôn mê, ỉa đái tự động... Nạn nhân suy sụp rất nhanh, bị suy hô hấp khó thở, truỵ tim mạch rồi tử vong.
Những ngày sau, nạn nhân bị nhiễm độc toàn thân với biểu hiện: buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng, đau đầu, ngất. Một số người bị sốt, ngủ gà, co cứng cơ tự nhiên, phù, co giật. Tổn thương nặng nề ở các cơ quan gồm: hoại tử gan; suy thận xuất hiện sau 1-2 ngày, do tan máu, tiêu cơ vân... Nếu không được điều trị sớm, tích cực, nạn nhân sẽ bị suy thận cấp, vô niệu kéo dài có thể nhiều tuần; tan máu, giảm tiểu cầu, đông máu nội mạch rải rác; tiêu cơ vân ồ ạt.
Sơ cứu như thế nào?
Trước một nạn nhân bị ong đốt, người sơ cứu cần làm là:
- Lấy ngòi còn cắm trên da nạn nhân (ngòi do ong mật đốt): dùng kẹp hay nhíp gắp ngòi ong ra.
- Dùng băng băng ép chân tay của nạn nhân bị ong đốt, nhưng chú ý khoảng 5 phút phải nới băng ra 1 lần với thời gian 30 giây. Không nên bóp nặn vết đốt vì dễ làm tổn thương nặng thêm.
- Dùng dung dịch sát khuẩn bôi lên vết ong đốt để sát khuẩn. Nên cho nạn nhân uống thuốc kháng histamin, bôi mỡ kháng histamin hay mỡ corticoid lên vết đốt.
- Sau đó, chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện.
Tại cơ sở y tế, nếu nạn nhân bị sốc: Cần áp dụng phác đồ xử trí sốc phản vệ do Bộ Y tế đã ban hành: Cho nạn nhân uống dung dịch oresol để cân bằng nước và điện giải.
Lời khuyên của bác sĩ
Ong đốt là một tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc phòng chống ong đốt có ý nghĩa rất quan trọng.
Để phòng tránh tình huống tự nhiên bị ong đốt, cần tránh những lối đi có nhiều cây hoa mà ong vàng thường bay đến đây tìm mật. Nhìn thấy ong vàng, cần chủ động phòng tránh hoặc xua đuổi chúng bay gần người.
Phòng tránh tình huống bị ong đốt khi đến gần tổ ong: nếu nhìn thấy tổ ong thì cần tránh xa. Căn dặn trẻ em không nên đến gần tổ ong, không ném, phá hay lấy que chọc tổ ong. Ong thường làm tổ ở cây, khuất tầm mắt nhìn hoặc có loài ong làm tổ dưới đất. Vì vậy, không nên ra vườn vào buổi tối, khó phát hiện được tổ ong để tránh. Khi bị ong tấn công, cần nhanh chóng trùm kín mặt và các phần da bị hở. Nếu có ao nước mà biết bơi lặn, có thể lặn xuống nước để tránh bị ong tấn công. Có thể dùng nùn rơm hoặc giẻ tẩm dầu đốt có nhiều khói để xua tổ ong đi nơi khác.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!