Tự ý dùng vắc-xin lao phòng COVID-19 có thể xảy ra tác dụng phụ đáng tiếc

Thời sự - 11/24/2024

Chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng vắc-xin bệnh lao (BGC) để phòng bệnh COVID-19 do vẫn chưa có kết quả nghiên cứu về tính hiệu quả cũng như tác dụng phụ đi kèm.

Tự ý dùng vắc-xin lao phòng COVID-19 có thể xảy ra tác dụng phụ đáng tiếc

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Phổi Trung ương kết hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu đề xuất triển khai đề án đánh giá vai trò của vắc-xin bệnh lao BCG trong phòng, chống COVID-19.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung cho biết hiện đã đề xuất hai hướng nghiên cứu đối với đề án này.

Trong đó, ở hướng nghiên cứu thứ nhất sẽ tập trung vào thử nghiệm lâm sàng tác dụng của vắc-xin BCG trên 800 mẫu là các bác sĩ tại bệnh viện tuyến đầu.

Ở hướng này, Việt Nam sẽ cùng với Pháp và Campuchia cùng đánh giá BCG có tác dụng phòng bệnh COVID-19 cho người có nguy cơ cao là cán bộ y tế hay không. Trong đó, Campuchia thu nhận 400 mẫu, Paris là 1.000 mẫu.

Đối với hướng nghiên cứu thứ hai có thể khảo sát trong số 268 ca bệnh hiện đã nhiễm của nước ta

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, dựa trên các ca bệnh này khảo sát mối liên quan giữa vắc-xin lao với các ca bệnh này. Đồng thời, khảo sát với những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 nhưng lại không nhiễm virus.

'Cần xem xét xem trường hợp nặng có phải do không tiêm BCG không. Đây là một trong những khảo sát có thể làm nhanh cho kết quả ban đầu trước khi chúng ta làm thử nghiệm lâm sàng lớn hơn', ông cho biết.

Ông thông tin, hiện trên thế giới có hai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Hà Lan và Australia, tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao nhất - những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Pháp dự kiến thu nhận khoảng 1.000 thầy thuốc tuyến đầu và một số đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi.

'Trong quá trình liên hệ, các giáo sư của Pháp đã đề nghị Việt Nam cùng cộng tác để có một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm đa quốc gia, đánh giá thực hư việc BCG trong phòng chống COVID-19', Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.

Đối với nghiên cứu hợp tác đa trung tâm đa quốc gia, ông cho hay dự kiến sẽ theo dõi trong 9 tháng từ khi bắt đầu tiêm BCG và đánh giá sau 3, 6 và 9 tháng. Trong thời gian đó nhân viên y tế làm việc bình thường.

Được biết, vắc-xin lao BGC là miễn dịch phòng chống lao, chủ yếu phòng bệnh lao lan tràn, hạn chế mắc các thể lao nặng như lao màng não, lao kê… Loại vắc-xin này không có khả năng ngăn chặn nhiễm lao, thường được tiêm cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, không có chỉ định tiêm cho người lớn.

WHO cũng đã khuyến cáo, đối với COVID-19, hiện vẫn chưa có bằng chứng nào nói rằng BCG có thể tác động tốt hơn hay xấu hơn. Tổ chức này cũng bày tỏ sự lo ngại thiếu vaccine BCG để tiêm phòng lao cho trẻ em nếu các nước tùy tiện sử dụng.

'Hiện nay, chưa có bất kỳ chỉ định nào về tiêm BCG để phòng COVID-19 trên thế giới. Chúng tôi đã cảnh báo có tác dụng phụ đáng tiếc nếu tự ý sử dụng vắc-xin này. Tôi cho rằng, người dân đừng quá nôn nóng mà cần chờ các nhà khoa học thêm một thời gian nữa khi kết quả nghiên cứu đã được làm sáng tỏ', PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo.

Ông cho biết, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế gồm đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, thực hiện giãn cách xã hội... tránh dịch bùng phát, lây lan trong cộng đồng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!