Tưởng con là thần đồng, hóa ra bị tự kỷ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Trẻ 3-4 tuổi đã biết làm nhiều thứ chưa chắc đã là giỏi, mà có thể là dấu hiệu của chứng tự kỷ.

Biết đọc, viết sớm chưa chắc đã là thần đồng

Hiện nay, không ít trường hợp trẻ mới hơn 3 tuổi đã có thể đọc tròn vành rõ chữ tiếng Việt. Thậm chí, một số trẻ còn có thể nhớ một số lượng lớn từ vựng tiếng Anh. Với TV, vi tính, iphone, ipad…, trẻ chỉ cần xem bố mẹ làm vài lần là có thể tự mình sử dụng thành thạo.

Thấy con mình như vậy, nhiều bậc phụ huynh 'sốt xình xịch', cho rằng con mình có tố chất của một thần đồng. Họ chỉ nhìn thấy những điểm hơn người của trẻ mà bỏ qua những biểu hiện bất thường khác. Khi có người chỉ ra những hành vi khác lạ của trẻ, những bậc phụ huynh này lại tức giận, gạt đi, nghĩ rằng 'người ta ghen ghét với con mình'.

Theo các bác sỹ, sự giỏi giang sớm ở trẻ nhỏ có thể là biểu hiện của sự không-bình-thường. Cụ thể, những biểu hiện mà bố mẹ cho là 'thần đồng' cũng dễ là dấu hiệu của hội chứng tự kỷ. Trẻ biết đọc, biết viết khi mới 3 tuổi được chia làm 3 dạng: thần đồng, trẻ được học chữ sớm và trẻ mắc hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa (tự kỷ là một dạng của hội chứng này).

Tưởng con là thần đồng, hóa ra bị tự kỷ

Trẻ tự kỷ có thể có những biểu hiện rất thông minh, nhanh nhẹn trong một số lĩnh vực nào đó

Trẻ tự kỷ có thể có tài năng trong một số lĩnh vực

Các nhà nghiên cứu cho biết, trẻ học chữ có hai cách: học ghép vần và học nhận dạng (học lỏm). Trẻ từ 3 tuổi hoàn toàn có khả năng đọc, viết nếu được người lớn dạy cách ghép vần. Một số trẻ có trí nhớ tốt, cộng thêm tính tò mò, hiếu động cùng với các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo chí, sách vở, các trò chơi kích thích não bộ… nên có thể tự nhận dạng mặt chữ và liên kết chúng lại với nhau. Điều này giải thích tại sao rất nhiều trẻ khoảng 3 tuổi, không ai dạy nhưng vẫn có thể tự mình biết đọc, biết viết.

Trẻ mắc hội chứng tự kỷ có thể có những sở thích đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó như Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý…; khả năng ghi nhớ, đọc sách… vượt trội so với nhiều trẻ cùng lứa tuổi. Đặc biệt, trẻ có khả năng tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu lĩnh vực mà mình thích thú. Tuy vậy, khác với trẻ thần đồng, trẻ tự kỷ có những rối loạn phát triển điển hình như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, cảm xúc và hành vi.

Thông thường, trẻ mắc hội chứng tự kỷ chỉ có hứng thú với một lĩnh vực nhất định, nên nhận thức tổng thể về mỗi quan hệ xung quanh sẽ kém hơn trẻ bình thường. Trẻ tiếp nhận thông tin theo kiểu copy, học thuộc lòng chứ không hiểu sâu xa bản chất vấn đề và không biết cách liên kết các vấn đề với nhau.

Tưởng con là thần đồng, hóa ra bị tự kỷ

Một biểu hiện khác là thường la hét, bịt tai, đập phá để phản đối điều gì không muốn

Những trẻ này thường có biểu hiện khác nhau và không thể chỉ quan sát trẻ ngày một ngày hai đã có thể phát hiện ra bệnh. Các bậc phụ huynh cần quan sát trẻ, sớm phát hiện các biểu hiện bất thường, kể cả các biểu hiện 'thần đồng' để trẻ được can thiệp sớm.

Những biểu hiện phổ biến của trẻ tự kỷ:

- Trẻ chậm phát triển khả năng ngôn ngữ, giao tiếp qua từng cột mốc như: 12 tháng nhưng không biết bập bẹ, gây sự chú ý của người khác; 16 tháng không nói được từ đơn; 24 tháng không nói được từ ghép.

- Một số trẻ đã có một số kỹ năng ngôn ngữ nhưng sau đó tự nhiên mất hẳn.

Tưởng con là thần đồng, hóa ra bị tự kỷ

Nếu thấy trẻ có biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ, hành vi, khả năng học hỏi thì nên nghĩ đến chứng tự kỷ trẻ mắc phải

- Thích một mình, không thích chơi, kết bạn với trẻ khác

- Tỏ ra thờ ơ với mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung vào các vật chuyển động đơn điệu (ví dụ, chiếc quạt đang quay), không trả lời, không ngoảnh lại khi nghe gọi tên, tránh tiếp xúc mắt.

- Trẻ có thể cực kỳ nhạy cảm với âm thanh hay hương vị nào đó hoặc khi người khác chạm vào người.

- Phản ứng dữ dội khi bị ép thay đổi thói quen.

Ảnh minh họa: Internet

Hà Vân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!