U mềm lây dễ nhầm với các bệnh ngoài da khác

Cần biết - 04/27/2024

U mềm lây do virut gây ra, biểu hiện bằng các thương tổn trên da. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, ở người lớn có hoạt động tình dục và bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch.

Dễ lây nhiễm

Bệnh gây ra do một loại virut DNA poxvirus có tên là molluscum contagiosum virut (MCV). MCV chỉ gây nhiễm trên người.

Virut gây u mềm lan rộng từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da đang bị nhiễm với nhau. Việc lây truyền của virut và qua các giọt nhỏ trong không khí. Virut có thể lan rộng qua tiếp xúc hoặc bề mặt có virut đang ở trên đó như khăn tắm, đồ chơi, dụng cụ thể thao, quần áo,... Đôi lúc virut có thể lan rộng sang các cơ quan khác của cơ thể thông qua tiếp xúc hoặc vết trầy xước hay tiếp xúc tình dục.

Vì vậy, bệnh dễ lây trong gia đình, khu tập thể, ký túc xá, lớp học có sử dụng đồ sinh hoạt chung như: trẻ em tắm cùng bể tắm, dùng khăn chung, dụng cụ thể dục và ngồi cùng ghế, khăn, đồ chơi, quần áo,...

U mềm lây dễ nhầm với các bệnh ngoài da khác

Hình ảnh hạt cơm trong bệnh u mềm lây.

Cách nhận biết u mềm lây

U mềm lây do virut gây ra, biểu hiện bằng các thương tổn trên da. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, ở người lớn có hoạt động tình dục và bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch. Thời tiết chuyển mùa sẽ làm bệnh tiến triển mạnh, điều đáng nói ở trẻ em nhiều bậc cha mẹ nhầm lẫn với các bệnh ngoài da thông thường nên rất hay nặn, vô tình khiến bệnh lây lan nhanh chóng.

Thời gian ủ bệnh từ vài tuần đến vài tháng, hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng, một vài trường hợp than phiền ngứa, nhạy cảm và đau. Một vài trường hợp chàm xung quanh tổn thương. Khi có biểu hiện, khởi đầu thương tổn là sẩn tròn gồ cao trên da, chắc, bề mặt nhẵn, trung tâm sẩn lõm. Các sẩn thường tập trung thành nhóm, nốt sẩn thường nhỏ từ 2 - 6mm, có thể xuất hiện khu trú hoặc lan rộng trên da và bề mặt niêm mạc. Ở trẻ nhỏ, vị trí tổn thương thường gặp là mặt, tay, chân và thân mình. Ở người lớn bệnh thường gặp ở các vị trí liên quan đến vùng sinh dục và vùng mu sinh dục. Đôi khi thương tổn có đỏ và bong vảy xung quanh do quá trình cào, gãi hoặc do phản ứng tăng nhạy cảm của nốt sẩn. Thương tổn không có ở bàn tay và bàn chân. Các nốt sẩn nhiều được liên kết với nhau thành một mảng. Bệnh có thể tự khỏi nhưng một số có thể tồn tại nhiều năm nhất là đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Dễ nhầm lẫn

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào thương tổn cơ bản lâm sàng trên da. Thầy thuốc dùng kính lúp soi, có thể nhìn thấy sẩn lõm ở trung tâm. Nếu cần thiết, chẩn đoán xác định bằng nạo thương tổn với 1 curret và kiểm tra tiêu bản sau khi thêm kali hydroxyte và hơ nóng nhẹ. Nhuộm bằng xanh toludine sẽ bộc lộ thể vùi của virut.

Về thực hành lâm sàng, thường đặt ra vấn đề phân biệt chẩn đoán với:

Sẩn xơ ở mặt, mụn nhọt giai đoạn sớm, u tuyến mồ hôi ở âm hộ, sùi mào gà , đặc biệt khi không có nốt điển hình;

Hạt cơm phẳng: hình ảnh lâm sàng là các sẩn bằng phẳng không có lõm ở trung tâm, bề mặt không đều, không có hình vòm, bàn tay và chân có thể có thương tổn;

Herpes simplex: các thương tổn nhanh chóng lõm giữa;

Thủy đậu: xuất hiện bọng nước và mụn nước;

Viêm nang lông: sẩn không có lõm ở trung tâm, sẩn hoặc mụn mủ khu trú ở chân tóc;

Ung thư biểu mô đáy: gồm nhiều thể lâm sàng;

Nấm sâu Cryptococcus spp trên da ở bệnh nhân HIV/AIDS hay suy giảm miễn dịch khác. Cần xét nghiệm có tế bào nấm men ở thương tổn da... hoặc chỉ định làm giải phẫu bệnh khi còn nghi ngờ chẩn đoán hoặc là thương tổn lan rộng, không rõ ràng.

Vì vậy, để chẩn đoán ngoài các biểu hiện lâm sàng thì các bác sĩ còn dùng kính lúp soi, có thể nhìn thấy sẩn lõm ở trung tâm. Nếu cần thiết, còn chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm đặc hiệu như: xét nghiệm có tế bào, làm giải phẫu bệnh,... khi còn nghi ngờ chẩn đoán hoặc là thương tổn lan rộng, không rõ ràng.

U mềm lây dễ nhầm với các bệnh ngoài da khác

Hình ảnh u mềm lây.

Điều trị đúng phòng biến chứng

U mềm lây là bệnh tự khỏi sau vài tháng hoặc vài năm. Tuy nhiên, để ngăn ngừa sự tự nhiễm và lây lan do tiếp xúc gần, cần điều trị tích cực khi vừa mắc bệnh để tránh các thương tổn thẩm mỹ. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, tùy từng tổn thương, bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp. Có thể dùng các thuốc gây bào mòn; Nạo bỏ thương tổn, đốt bằng laser CO2và có thể dùng phương pháp khác (có thể điều trị tại nhà) như: áp lạnh bằng nitơ lỏng, dùng các loại thuốc bôi.

U mềm lây là bệnh lành tính, cần thực hiện đúng chỉ định điều trị của bác sĩ sẽ nhanh khỏi, tiên lượng tốt. Nếu không được điều trị đúng bệnh có thể bị kích ứng, viêm và nhiễm khuẩn thứ phát. Những tổn thương ở mí mắt có thể kết hợp với viêm nang lông và viêm nhú kết mạc. Các sẩn lâu khỏi dễ lây nhiễm cho mọi người.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trong thời gian điều trị nên chú ý đến vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, vệ sinh đồ dùng của cá nhân riêng và được sấy, là, rửa ở nhiệt độ cao. Khử trùng đồ chơi và vật dụng gia đình em bé bị bệnh. Trong thời gian điều trị bệnh nhân cần tránh cào gãi ngăn ngừa bội nhiễm; tránh dùng chung dụng cụ (ví dụ: dao cạo, bồn tắm). Bệnh nhân tránh tiếp xúc da - da với người khác để ngăn ngừa lây lan.

Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng tốt để tăng cường hệ thống miễn dịch nhất là thời gian giao mùa để hạn chế bệnh tiến triển - đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu... Tránh quan hệ tình dục với người đang bị u mềm lây.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!