Định nghĩa
Định nghĩa
U nhọt là bệnh gì?
U nhọt là bệnh nhiễm khuẩn ở nang lông có chứa mủ, thường gây lở loét sâu trên da và gây đau. U nhọt thường hình thành thành từng khối, sưng và tấy đỏ. Các u nhanh chóng phát triển lớn hơn và tích mủ bên trong, làm người bệnh cảm thấy đau tại vùng da có u nhọt. Đến một lúc nào đó, u nhọt sẽ bị vỡ ra và chảy nước.
Những ai thường mắc phải bệnh u nhọt?
U nhọt thường xảy ra ở những người đã qua giai đoạn dậy thì. Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam và nữ. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của u nhọt là gì?
U nhọt ban đầu chỉ là vết sưng nhỏ và hơi đau, có đường kính khoảng từ 1.5 đến 5 cm. Nhọt thường xuất hiện ở cổ, mặt, vùng eo, vùng háng, vùng dưới cánh tay và ở mông. U nhọt càng lớn thì càng gây đau đớn nhiều hơn.
Một số u nhọt có thể ở sâu trong da, sau đó mới phát triển, gây chảy mủ có máu và dịch trắng. Sau khi các u nhọt đã chảy mủ, cơn đau sẽ bớt đi nhưng chứng đỏ và sưng tấy vẫn còn kéo dài trong nhiều ngày hay nhiều tuần, thậm chí có thể để lại sẹo.
Nếu không được chữa trị kịp thời, nhọt có thể ngấm vào máu và lây lan sang các bộ phận khác.
Có thể có các triệu chứng và biểu hiện khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn thường có thể tự chăm sóc các u nhọt nhỏ. Nhưng bạn nên gặp bác sĩ nếu có nhiều hơn một u nhọt tại một thời điểm hoặc nếu nhọt:
- Xuất hiện trên khuôn mặt;
- Có triệu chứng xấu đi hoặc vô cùng đau đớn;
- Gây sốt;
- To hơn 5 cm;
- Không chữa lành trong hai tuần;
- Tái phát trở lại.
Nguyên nhân
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra u nhọt là gì?
U nhọt thường xảy ra khi nang lông bị nhiễm vi khuẩn Staphylococus(thường gặp ở trên da và trong mũi). Bệnh sẽ bắt đầu ở nang lông và dần dần ăn sâu vào bên trong các lớp da. Bệnh có thể lây lan sang người khác nếu có sự tiếp xúc với mủ của u nhọt. Trong một số trường hợp khác, nhọt phát triển tại nơi da bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập thông qua vết xước nhỏ hay vết côn trùng cắn.
Ngoài ra, nhiễm trùng vết thương, vệ sinh kém, mặc quần áo chật, trầy da hoặc thường xuyên tiếp xúc với một số loại hóa chất hay mỹ phẩm cũng là các nguyên nhân gây ra u nhọt. Bên cạnh đó, các chứng rối loạn như tiểu đường hoặc nghiện rượu cũng có thể làm tăng khả năng bị u nhọt do hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu.
U nhọt có thể gây nên viêm nang lông và biến chuyển nặng hơn khi cơ thể đổ mồ hôi.
Nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc u nhọt?
U nhọt có thể xảy ra với tất cả mọi đối tượng, bao gồm cả những người khỏe mạnh. Tuy nhiên những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn:
- Tiếp xúc gần gũi với người có u nhọt.
- Tiểu đường: bệnh này có thể gây suy giảm hệ miễn dịch, cản trở việc cơ thể chống lại nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nói chung và trên da bạn nói riêng.
- Các vấn đề khác về da, chẳng hạn như mụn trứng cá và eczema. Bởi vì chúng phá hủy lớp bảo vệ của làn da làm cho bạn dễ bị u nhọt.
- Hệ miễn dịch bị tổn thương: nếu hệ miễn dịch của bạn bị tổn thương dù vì bất kỳ lý do gì, điều này có thể tăng khả năng bị u nhọt.
Điều trị
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị u nhọt?
Có các phương pháp dùng để điều trị u nhọt mà bạn có thể nghĩ tới, chẳng hạn như:
Dùng băng gạc ẩm đắp lên vùng u nhọt từ 3-4 lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút sẽ giúp tạo cảm giác dễ chịu, làm nhọt khô lại và nổi lên trên nếu u nhọt nằm sâu dưới da.
Bác sĩ có thể cắt u nhọt và hút mủ khi vùng da bị tổn thương trở nên mỏng và phần dưới da đã mềm. Nhọt vẫn có khả năng tự lặn sau 10 đến 20 ngày. Nhưng nếu được điều trị, bệnh sẽ bình phục nhanh hơn và giảm bớt các triệu chứng nghiêm trọng. Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh cho các trường hợp nhiễm trùng nặng hay tái phát.
Các nhọt mới sẽ hình thành nếu như mủ từ vết hở của u nhọt trước làm nhiễm trùng vùng da ở gần đó.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán u nhọt?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán u nhọt bằng cách kiểm tra những phần da bị nhiễm bệnh hoặc lấy một mẫu mủ để kiểm tra vi khuẩn.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh u nhọt?
U nhọt có thể dễ dàng được kiểm soát nếu bạn:
- Sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
- Giảm thiểu hoạt động thể chất cho đến khi vùng bị nhiễm trùng lành lặn hẳn. Tránh để ra mồ hôi và các môn thể thao trong khi đang bị nhọt.
- Giữ da sạch sẽ.
- Thay quần áo và khăn trải giường mỗi ngày và giặt bằng nước nóng.
- Liên lạc với bác sĩ nếu bạn bị sốt hay các triệu chứng vẫn không thuyên giảm sau 3-4 ngày điều trị.
- Hãy khám bác sĩ nếu bạn hay người thân trong gia đình bị u nhọt lâu không khỏi hoặc u nhọt làm mủ và gây đau nặng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!