UBND xã Sơn Đông quá 'ưu ái' cho vi phạm

Thời sự - 05/03/2024

Vụ việc đổ thải ra môi trường tại thôn Đại Sơn, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã trôi qua 2 tháng, nhưng những vi phạm vẫn chưa được UBND xã Sơn Đông xử lý dứt điểm. Người dân thôn Đại Sơn quá bức xúc đã kéo nhau đến trụ sở kêu cứu, cho rằng UBND xã đã quá ưu ái cho vi phạm, coi thường sức khỏe của người dân.

Vì sao UBND xã Sơn Đông không ra quyết định xử phạt vi phạm?

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Năng Thành - một người dân cho rằng, chính quyền xã đã quá chần chừ trong việc xử lý dứt điểm vụ việc, đã 2 tháng qua nhưng số chất thải kia vẫn chưa được di chuyển. Theo thông báo của UBND xã Sơn Đông yêu cầu đến hết ngày 17/6/2020, ông Nguyễn Ngọc Quang (chủ thửa đất) phải múc bỏ toàn bộ số lượng chất thải đã đổ ra khỏi khu đất gây ô nhiễm môi trường. Nếu hết thời gian trên ông Quang không thực hiện thì UBND xã xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này ông Quang vẫn 'án binh bất động', gây bức xúc nên người dân mới buộc phải kéo lên trụ sở để yêu cầu múc đi ngay.

Ông Thành chia sẻ thêm, đối với vi phạm của người dân ví dụ như xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, thì chỉ cần hôm trước thôi hôm sau chính quyền đã lập biên bản xử phạt vi phạm, thế nhưng đối với vi phạm nói trên của ông Quang thì mặc kệ người dân sống chung với ô nhiễm. Mặc dù việc đổ chất thải nói trên là đất thuộc đất nông nghiệp. Vậy UBND xã nói rằng nếu hết thời gian trên sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật là nghiêm theo kiểu gì?

Trong khi đó, UBND xã Sơn Đông xác định, khu đất đổ thải trên là đất nông nghiệp và việc đổ thải này đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân thôn Đại Sơn, xã Sơn Đông. Hành vi này đã vi phạm Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Người dân cho rằng, phải chăng UBND xã đã quá ưu ái cho sai phạm, trong khi sai phạm đã quá rõ ràng.

UBND xã Sơn Đông quá 'ưu ái' cho vi phạmUBND xã Sơn Đông có chậm trễ trong việc xử phạt vi phạm vụ đổ thải trộm ra môi trường?

Xử phạt vi phạm ở mức nào?

Theo luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Nếu hành vi vi phạm là của cá nhân thì tùy vào số lượng chôn rác thải và mức độ gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm (Khoản 3 Điều 235 BLHS 2015). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm (Khoản 4 Điều 235 BLHS 2015).

Nếu hành vi vi phạm là của pháp nhân thương mại thì tùy vào số lượng chôn rác và mức độ gây ô nhiễm môi trường có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 12-20 tỉ đồng. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1-5 tỉ đồng hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm (Điểm c, đ Khoản 5 Điều 235 BLHS 2015).

Nếu đối chiếu theo những quy định nói trên thì ông Nguyễn Ngọc Quang và đơn vị có nguồn chất thải hoàn toàn nằm trong diện bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đứng về góc độ môi trường, chúng tôi cho rằng, không chỉ cho xúc toàn bộ số chất thải nói trên ra khỏi khu vực mà còn phải trả về nơi xuất phát nguồn thải, mà phải xử lý theo kiểu xử lý chất thải nguy hại. Được biết chi phí để xử lý chất thải nguy hại rất tốt kém và phải do đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại đảm nhiệm.

Ở đây chúng tôi chưa đề cập đến việc Công ty Minh Đức - Sơn Tây có ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại đối với đơn vị nào chưa, mà chỉ xem xét đến góc độ an toàn về môi trường. Về việc này chúng tôi cũng đã đề nghị UBND xã cho biết Công ty Minh Đức - Sơn Tây có ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải nguy hại nào không? Ông Đào Cam Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông không nắm rõ.

Chúng tôi đã đặt lịch làm việc với các cơ quan chức năng thị xã Sơn Tây để làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa bố trí lịch để làm việc với báo chí.

Báo Sức khỏe&Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!