Ung thư phổi có di truyền không?

Cần biết - 11/24/2024

Nếu trong gia đình bạn đã có người mắc ung thư phổi thì nguy cơ để bạn mắc bệnh sẽ cao hơn.

Khuynh hướng di truyền ung thư phổi

Một số bệnh ung thư như ung thư buồng trứng và ung thư đại tràng thường di truyền trong gia đình. Mặc dù vai trò của di truyền trong ung thư phổi chưa được biết rõ nhưng nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư phổi thì sẽ tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Ung thư phổi di truyền thường cao hơn ở phụ nữ, người không hút thuốc và người mắc ung thư phổi khởi phát bệnh sớm (trước tuổi 60). Theo ước tính, 1,7% số ca ung thư phổi tới tuổi 68 là do di truyền.

Một số yếu tố liên quan đến ung thư phổi di truyền, bao gồm:

- Mức độ thân cận của thành viên trong gia đình bị mắc bệnh

- Có người thân thế hệ thứ nhất (cha mẹ, anh chị em hoặc con) mắc bệnh ung thư phổi thì người đó có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp gần 2 lần. Nguy cơ này ở phụ nữ cao hơn so với ở nam giới, nguy cơ ở những người không hút thuốc cao hơn so với ở người hút thuốc.

- Những người có người thân thế hệ thứ hai (chú, dì, cháu trai, cháu gái) mắc ung thư phổi thì nguy cơ mắc căn bệnh này tăng khoảng 30%.

Hút thuốc, ung thư phổi và khả năng di truyền

Những người hút thuốc bị ung thư phổi ít có khả năng có tiền sử gia đình mắc bệnh hơn so với người không hút thuốc. Tuy nhiên, với những người có khuynh hướng di truyền bị ung thư phổi thì hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ.

Ung thư phổi có di truyền không?

Thuốc lá là một trong những 'thủ phạm' gây ung thư phổi (Ảnh: Internet)

Loại ung thư phổi và di truyền

Những người có ung thư phổi không tế bào nhỏ, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến phổi dễ có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi hơn so với những người bị ung thư phổi tế bào nhỏ.

Một nghiên cứu gần đây cho biết người không hút thuốc bị ung thư phổi không tế bào nhỏ và khối u có đột biến EGFR nhiều khả năng có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi so với những người có đột biến ALK hoặc KRAS.

Gen ung thư vú (BRCA2) và nguy cơ mắc ung thư phổi

Theo các nghiên cứu gần đây, những người có đột biến gen BRCA2 - một loại đột biến ở những bệnh nhân ung thư vú di truyền, có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn. Đột biến gen này được phát hiện ở 2% số người gốc châu Âu và được di truyền ở những bệnh nhân có bệnh di truyền gen trội.

Ung thư phổi có di truyền không?

Người có đột biến gen BRCA2 có nguy cơ cao mắc ung thư phổi (Ảnh: Internet)

Những người hút thuốc mà có gen này không chỉ tăng nguy cơ bị ung thư vú và ung thư buồng trứng mà còn tăng gấp gần 2 lần nguy cơ mắc ung thư phổi (những người không hút thuốc có gen này cũng có nguy cơ ung thư phổi cao hơn người bình thường).

Những người hút thuốc mang gen này thường tăng nguy cơ mắc ung thư phổi tế bào vảy - một dạng của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Hiện tại, chưa có bất kì khuyến cáo cụ thể nào để sàng lọc những người mang gen này, nhưng nếu bạn lo lắng thì bạn có thể báo cho bác sĩ về việc chụp CT để sàng lọc ung thư phổi.

Chủng tộc, ung thư phổi và di truyền

Những người da đen có người thân thế hệ thứ nhất mắc ung thư phổi có nguy cơ bị ung thư phổi khởi phát sớm cao hơn so với người da trắng. Nguy cơ này tăng ở những người hút thuốc.

Nên làm gì nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư phổi?

Chụp CT sàng lọc là một giải pháp giúp phát hiện ung thư phổi ở một số người, mặc dù gần đây chụp CT mới chỉ được khuyến nghị ở những người 55-74 tuổi, những người hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc 15 năm và những người hút ít nhất 30 bao thuốc/năm.

Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ lựa chọn sàng lọc thêm các thông số khác. Không nên mất hi vọng khi có gen di truyền từ bố và mẹ mắc ung thư phổi vì hiện nay nhiều nguyên nhân gây ung thư có thể ngăn ngừa được.

Cho dù bạn có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi hay không, hãy bỏ thuốc (nếu bạn hút thuốc), kiểm tra nhà của bạn có nhiễm phóng xạ radon không, tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục và tránh những nguyên nhân nghề nghiệp có nguy cơ gây ung thư phổi. Tất cả những điều này có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh ung thư

Vũ May (Lungcancer)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!