Định nghĩa
Định nghĩa
Ung thư vú là bệnh gì?
Ung thư vú là tình trạng khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính là tập hợp các tế bào ung thư có thể sinh sôi rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra (di căn) các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư vú hầu hết xuất hiện ở nữ giới. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nam giới cũng có thể mắc bệnh này.
Những ai thường mắc phải ung thư vú?
Ung thư vú rất phổ biến ở nữ giới. Cứ 8 phụ nữ thì có 1 người có khả năng mắc bệnh. Phụ nữ ở tất cả các độ tuổi, sắc tộc đều có thể mắc phải ung thư vú. Ngoài ra những người bị đột biến ADN tế bào vú khiến cho các tế bào bị mất kiểm soát trong quá trình phát triển cũng rất dễ mắc phải bệnh này.
Triệu chứng và dấu hiệu
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú là gì?
Ung thư vú ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Khoảng 10% bệnh nhân không bị đau, không thấy khối u hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, nếu khối u vú phát triển, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Vú bị sưng, biến dạng hay kích ứng da vùng vú hoặc vùng dưới cánh tay;
- Xuất hiện khối u cứng ở vú;
- Vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng;
- Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay các thay đổi khác, chẳng hạn như xuất hiện nếp nhăn hoặc đóng vảy;
- Vú tiết dịch, bị thụt vào trong hoặc có cảm giác đau.
Có thể có các triệu chứng và biểu hiện khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn phát hiện bất kỳ thay đổi bất thường nào ở vú. Thông thường, ung thư vú giai đoạn đầu không gây đau. Vì vậy, bạn cần thường xuyên tự kiểm tra vú và đừng đợi đến khi xuất hiện cơn đau mới đến gặp bác sĩ. Phát hiện sớm ung thư vú có thể giúp hạn chế diễn tiến bệnh và điều trị hiệu quả hơn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra ung thư vú là gì?
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra ung thư vú. Tuy nhiên, các nhà khoa học biết được rằng bệnh xảy ra khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường và phân chia nhanh hơn so với các tế bào khỏe mạnh khác. Các tế bào trên tích tụ tạo thành một khối u có thể lây lan đến mô lân cận hoặc những bộ phận khác của cơ thể.
Ước tính có khoảng 5 – 10% các ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gen và mang tính di truyền. Những yếu tố di truyền được xác định gồm gen 1 (BRCA1) và gen 2 (BRCA2) là tác nhân gây ung thư. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư vú, hãy liên hệ bác sĩ để được kiểm tra và xác định xem bạn có các gen kể trên hay không.
Nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú?
Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nữ giới có thể tăng cao do các yếu tố sau:
- Tuổi tác: càng lớn tuổi, nguy cơ bị bệnh càng cao.
- Tiền sử gia đình: nếu mẹ, con gái hoặc chị gái bạn bị ung thư vú, khả năng mắc bệnh sẽ lớn hớn.
- Đột biến gen di truyền BRCA1 và BRCA2.
- Uống thức uống có cồn.
- Đã từng chụp nhũ ảnh.
- Bắt đầu chu kì kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn.
- Sinh con lần đầu khi lớn tuổi hoặc chưa bao giờ sinh con.
- Dùng các loại hormone kết hợp như estrogen và progestin để điều trị các triệu chứng mãn kinh.
- Béo phì.
- Tiền sử ung thư biểu mô tuyến vú hoặc tiểu thùy tuyến vú.
Điều trị
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư vú?
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú thích hợp dựa trên các yếu tố sau:
- Loại ung thư vú;
- Giai đoạn bệnh;
- Kích cỡ khối u;
- Sự nhạy cảm của tế bào ung thư với hormone;
- Tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân.
Có 5 phương pháp điều trị bao gồm:
Phẫu thuật
- Phẫu thuật giữ lại vú. Phẫu thuật này chỉ loại bỏ khối u trong vú.
- Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú.
- Phẫu thuật cắt bỏ tận gốc tế bào ung thư. Phẫu thuật này nhằm loại bỏ toàn bộ vú có tế bào ung thư, các hạch bạch huyết dưới cánh tay, lớp thành ngoài cơ ngực.
Xạ trị
Xạ trị là sử dụng chùm tia năng lượng cao hoặc các dạng tia phóng xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư hay ngăn ngừa chúng phát triển.
Hóa trị
Hóa trị là sử dụng thuốc để làm các tế bào ung thư ngừng phát triển. Phương pháp này có thể được sử dụng để làm giảm sự phát triển của khối u trước khi phẫu thuật loại bỏ. Hóa trị cũng có thể được dùng sau phẫu thuật để ngăn ngừa khối u tái phát triển.
Liệu pháp hormone
Phương pháp này được dùng để ngăn chặn hoạt động của các loại hormone và không cho khối u ung thư phát triển. Liệu pháp hormone chỉ phát huy tác dụng với các loại ung thư vú có liên quan đến hormone.
Liệu pháp điều trị trúng đích
Đây là liệu pháp sử dụng thuốc hoặc các hóa chất khác nhằm tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Những loại thuốc và chất này có thể bao gồm:
- Kháng thể đơn dòng.
- Thuốc ức chế tyrosine kinase.
- Chất ức chế cyclin-CDKs nội tiết.
Bạn có thể được chỉ định một hoặc nhiều phương pháp kết hợp. Bác sĩ sẽ là người lựa chọn cách thức điều trị phù hợp.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ung thư vú?
Hãy đi khám nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi khác thường nào ở vú. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số biện pháp xét nghiệm và kiểm tra sau để chẩn đoán ung thư vú, bao gồm:
- Kiểm tra tổng quát và tìm hiểu tiền sử gia đình: bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát cơ thể bạn, bao gồm xác định khối u hoặc các dấu hiệu bất thường khác. Bác sĩ cũng sẽ hỏi và điều tra về thói quen sinh hoạt và tiền sử bệnh lý của gia đình bạn.
- Kiểm tra vú: bác sĩ sẽ kiểm tra và tìm kiếm khối u hay các dấu hiệu bất thường ở vú và vùng dưới cánh tay.
- Siêu âm vú: siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm năng lượng cao giúp các bác sĩ kiểm tra được các mô và cơ quan trong cơ thể. Siêu âm vú có thể giúp bác sĩ xác định các bất thường trong vú. Kết quả siêu âm có thể được in ra và lưu lại.
- Chụp MRI (cộng hưởng từ): phương pháp này giúp bác sĩ theo dõi một loạt các hình ảnh ở cả hai tuyến vú.
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu nhằm xác định các chất trong máu được giải phóng bởi các cơ quan hoặc các mô trong cơ thể. Nồng độ cao hoặc thấp bất thường của một chất nào đó có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh nhất định.
- Sinh thiết: quan sát các mô và tế bào dưới kính hiển vi để tìm ra dấu hiệu ung thư. Nếu phát hiện khối u ở vú, các bác sĩ có thể lấy mẫu mô hoặc tế bào của khối u này để thực hiện xét nghiệm. Có 4 phương pháp sinh thiết, bao gồm:
- sinh thiết cắt bỏ: loại bỏ toàn bộ khối u.
- sinh thiết một phần: lấy một mẫu của khối u hoặc mô để kiểm tra.
- sinh thiết trích mô dùng kim lớn: lấy mô bằng cách dùng kim lớn.
- sinh thiết chọc hút tế bào bằng kim nhỏ: lấy mô bằng cách dùng kim nhỏ.
Hãy nói với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình thăm khám, kiểm tra và xét nghiệm.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư vú?
Để hạn chế diễn tiến ung thư vú, bạn nên duy trì những thói quen sinh hoạt sau:
- Duy trì lối sống lành mạnh: hãy luôn thực hiện theo chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thường xuyên. Bạn nên bỏ hút thuốc và hạn chế dùng thức uống có cồn.
- Ăn uống hợp lý: các phương pháp điều trị bệnh có thể khiến bạn buồn nôn và giảm khẩu vị, hãy chia nhỏ các bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày.
- Tập thể dục thường xuyên: ung thư có thể khiến bạn trở nên mệt mỏi và yếu ớt hơn, thậm chí ngay cả khi bạn đã nghỉ ngơi để lấy lại sức. Tập thể dục thường xuyên như đi bộ ngắn giúp hạn chế sự mệt mỏi và tăng cường sức lực.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Review Date: April 11, 2016 | Last Modified: April 11, 2016
Nguồn tham khảo
Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về
Porter, Robert. Kaplan Justin. Homeier Barbara. The Merck manual home health handbook. New Jersey: John Wiley & Sons, Inc, 2009. Bản in. Trang 1549
Breast cancer. http://www.cancer.gov/cancertopics/pdq/treatment/breast/Patient/page1/AllPages/Print. Ngày truy cập 24/09/2015
Cancer Facts & Figures 2014. http://www.cancer.org/research/cancerfactsstatistics/cancerfactsfigures2014/index. Ngày truy cập 24/09/2015
Hormone therapy breast. http://www.cancer.gov/cancertopics/factsheet/Therapy/hormone-therapy-breast. Ngày truy cập 24/09/2015
NCCN Guidelines. http://www.nccn.org/professionals/physician_gls/f_guidelines.asp. Ngày truy cập 24/09/2015
What You Need To Know About™ Breast Cancer. http://www.cancer.gov/cancertopics/wyntk/breast/page1. Ngày truy cập 24/09/2015
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!