Vạch trần chân tướng các cơ sở sản xuất mỹ phẩm 'chui'

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Cơ sở sản xuất mỹ phẩm 'chui' này bị vạch trần khi vừa qua Công an Quận 9 đã phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất.

Nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm được các cơ sở sản xuất làm giả mua trôi nổi trên thị trường rồi pha trộn sau đó 'biến' thành hàng ngoại bán tràn lan. Đã rất nhiều cô gái phải trả giá vì sử dụng loại sản phẩm này.

Vạch trần chân tướng các cơ sở sản xuất mỹ phẩm 'chui'

Các loại mỹ phẩm trôi nổi được bán tràn lan trong các chợ của TP.HCM

Tràn lan 'lò' sản xuất mỹ phẩm

Nằm trên con đường 129, Phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM, cơ sở sản xuất mỹ phẩm của bà Trần Thị H.M. được biết tới là nơi cung ứng ra thị trường nhiều loại mỹ phẩm với đủ loại nhãn mác chữ Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… Các sản phẩm được chủ cơ sở này rao bán trên mạng, ai có nhu cầu liên hệ sẽ được giao tận nhà.

Chân tướng của cơ sở sản xuất mỹ phẩm 'chui' này bị vạch trần khi vừa qua Công an Quận 9 đã phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất.

Tại cơ sở hoạt động không có giấy phép này, cơ quan kiểm tra thu giữ hàng trăm kilogram kem dưỡng da, son môi, dung dịch hóa chất, nguyên liệu mỹ phẩm, thuốc giảm cân… không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhiều máy móc phục vụ cho việc pha trộn các loại kem, đóng gói mỹ phẩm cũng bị cơ quan chức năng thu giữ. Ngoài ra lượng lớn tem chống hàng giả, bao bì của các thương hiệu có tiếng cũng được làm giả tinh vi tại đây.

Hoạt động trong một thời gian dài trước khi bị phát hiện, chủ cơ sở cho hay hóa chất làm mỹ phẩm giả được bà mua ở chợ Kim Biên, Quận 5 với giá 200 – 300 ngàn đồng/kg, rồi mang về pha trộn, đóng hộp 'hô biến' thành mỹ phẩm thương hiệu. 

Hay mới đây, tại một cơ sở ở Quận 7, TP.HCM khi cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất thu giữ gần 600kg dung dịch dạng lỏng, dạng bột; 500 chai sữa, kem tắm trắng; cả tấn vỏ chai và bao bì in chữ Hàn Quốc. Tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, nhãn mác, không in tên và địa chỉ công ty sản xuất.

TP.HCM từ lâu được biết là nơi 'ăn nên làm ra' của các cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả, hầu hết các chủ 'lò' sản xuất 'chui' khi bị phát hiện khai nhận mua nguyên liệu, hóa chất hay hương liệu mỹ phẩm trôi nổi từ chợ Kim Biên. Các loại mỹ phẩm 'nhái' này vẫn đến được tay người tiêu dùng bởi ngoài công nghệ làm giả rất tinh vi thì giá cả lại khá rẻ.

Những lưu ý về sử dụng mỹ phẩm khi mang thai . (Việt hóa bởi SongKhoe.vn).

'Biến' kem không nguồn gốc thành… mỹ phẩm

Trong vai người cần mua các loại nguyên liệu về làm kem trộn và tẩy trắng da, chúng tôi tìm đến một cửa hàng chuyên bán hóa chất không tên trên đường Vạn Tượng, khu vực chợ Kim Biên.

Hàng chục can nhựa được ghi chữ nguệch ngoạc về tên các loại tinh dầu thơm như bạc hà, hoa hồng, oải hương, hướng dương, hoa thạch thảo… được chủ cửa hàng bày bán công khai.

Chúng tôi được chủ cửa hàng nói trên cho biết muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, giá cả dao động từ 30 – 50 ngàn đồng/lít tùy từng loại, nếu mua nhiều còn được giá ưu đãi.

Với những loại kem tẩy trắng, kem trộn hay kem dưỡng da… khi chúng tôi hỏi chủ cửa hàng mới mang ra và giới thiệu những loại này chiết xuất từ thiên nhiên. Tuy nhiên, tất cả đều được đóng gói trong bao nilon không có nhãn mác.

Khi thấy chúng tôi nghi ngại về độ an toàn, chủ cửa hàng trấn an rằng, không phải lo vì ở đây chuyên cung cấp nguyên liệu sỉ của nhiều cơ sở khác.

Để quảng cáo về độ hiệu quả, người bán còn quảng cáo: 'Muốn làm kem trắng da mua chất kích trắng, giá 50 ngàn đồng/lít trộn với vài thứ khác. Chỉ cần dùng một tuần là sẽ có làn da trắng hồng như em bé, nếu sai mang đến đây hoàn tiền lại'.

Người này còn chia sẻ thêm, nếu chưa biết cách pha trộn kem thì bà cũng sẽ giới thiệu chỗ học, giá phải chăng. Còn máy móc chưa sắm được thì có thể dùng máy say sinh tố, nhìn bằng mắt thường không khác gì mỹ phẩm cao cấp.

Theo bác sĩ da liễu Cẩm Anh, kem trộn gồm nhiều thành phần trộn lại với nhau, không được kiểm định nên bất kỳ thành phần nào trong kem trộn cũng có thể gây kích ứng, làm da trở nên đỏ, sưng nề và ngứa.

Dùng kem trộn để làm trắng da, trị mụn 'cấp tốc' chỉ có tác dụng tạm thời. Nếu sử dụng trong môt thời gian dài, da sẽ trở nên nhạy cảm với nắng, dễ teo da, giãn mao mạch, rạn nứt da, xuất huyết dưới da…

Có bệnh nhân còn lâm vào tình trạng rất nguy hiểm khác là lệ thuộc corticoid, nghĩa là sau khi sử dụng kem trộn có corticoid thì làn da rất khó thích ứng với sản phẩm nào khác, làm cho việc điều trị kéo dài, tốn kém.      

>> Xem thêm: Triệt phá 'lò' mỹ phẩm giả lớn nhất Cần Thơ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!